Để phòng chống dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê tại Hà Nội đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Các chuyên gia nhận định, nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại các nhà hàng, quán ăn, giải khát… rất cao nên ở những nơi này phải thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, vừa thực hiện giãn cách vừa bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).
Thực hiện nghiêm để hạn chế nguy cơ lây nhiễm
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, Việt Nam đã trải qua giai đoạn giãn cách xã hội nên ý thức của người dân đã được nêu cao. Hầu hết người dân đã đeo khẩu trang, biết cách phòng bệnh. Tuy nhiên ,PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, người dân tuyệt đối không được chủ quan dịch còn diễn biến phức tạp.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trong thời điểm dịch Covid-19 hiện nay, tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, quán cà phê, giải khát nên thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, nhân viên phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ khách, đo thân nhiệt cho nhân viên và khách hàng trước khi vào cơ sở. Bố trí khu vực rửa tay bằng xà phòng hoặc bảo đảm đầy đủ nước sát khuẩn. Thực hiện giãn cách chỗ ngồi giữa các khách hàng tối thiểu 1m, khuyến khích sử dụng tấm chắn ngăn cách giữa các chỗ ngồi, thường xuyên lau khử khuẩn bề mặt bàn, ghế, sàn nhà, tay nắm cửa ra/vào…
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP cho rằng, để bảo đảm ATTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong thời điểm dịch bệnh, bắt buộc người chế biến thực phẩm, phục vụ đồ ăn phải đeo khẩu trang. Các quán ăn không được phục vụ nhiều người cùng lúc. Đặc biệt, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các yêu cầu về điều kiện ATTP. Chỉ các cơ sở kinh doanh thực phẩm đủ điều kiện cấp phép mới được kinh doanh trở lại.
Theo ông Phong, hiện nay, việc đeo khẩu trang bắt buộc cả với những người phục vụ trong nhà hàng, quán ăn cũng như các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Ngoài ra, nếu người chế biến thực phẩm, phục vụ ăn uống có bất kỳ biểu hiện sốt, ho, không được chế biến thực phẩm, phục vụ đồ ăn. Trong quá trình chế biến thực phẩm, phục vụ đồ ăn, không được cười đùa, nói to, cố gắng hạn chế tiếp xúc gần. Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển.
Ông Phong cũng nhấn mạnh, khu ăn uống phải có đủ bàn ghế và bố trí khoảng cách giữa những người ăn uống; có đủ dụng cụ ăn uống bảo đảm riêng biệt cho từng người ăn uống và được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn trước và sau khi sử dụng… “Đặc biệt, tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, quán cà phê, giải khát phải thực hiện đo thân nhiệt cho nhân viên và khách hàng trước khi vào cơ sở” – ông Phong lưu ý.
Hạn chế chia sẻ đồ ăn, đồ uống
Theo GS.TS Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, từ những diễn biến của dịch Covid-19, người dân cần phải thay đổi thói quen triệt để như: Dùng đũa để gắp thức ăn chung, mỗi người cũng nên có một bát nước chấm riêng, dùng chậu rửa mặt riêng. Đặc biệt trong chế biến thực phẩm không nên dùng thớt chung cho thức ăn sạch và đồ sống, hay việc ăn các loại động vật hoang dã không rõ nguồn gốc là yếu tố dễ lây nhiễm các loại bệnh lạ từ động vật…
Đồng quan điểm, ông Michael Knight- PGS ngành Dược thuộc Đại học Dược & Khoa học Sức khỏe George Washington khuyến cáo, người dân không nên chọn hàng quán đông người, không đi ăn vào giờ cao điểm. Nếu bắt buộc phải đi ăn ngoài vào mùa dịch, người dân nên chủ động chọn địa điểm dựa theo 4 tiêu chí cơ bản: Quen thuộc, sạch sẽ, không quá đông người và khoảng cách giữa các bàn ăn luôn rộng rãi.
Ông Michael Knight cũng cho rằng, các địa điểm theo phong cách tự phục vụ thường sở hữu lượng khách đông đảo. Mỗi lần tự đi lấy thức ăn sẽ là một lần bạn tiếp xúc gần với người lạ. Những dụng cụ ăn uống trên quầy cũng được mọi người sử dụng chung. Trong khi, virus SARS-CoV-2 có khả năng sống ở các bề mặt của dụng cụ ăn uống trong vài giờ đồng hồ cho đến vài ngày. Vì vậy, vào thời điểm này, người dân có thể hạn chế đến những nhà hàng tự phục vụ. Hoặc nếu đi ăn buffet, người dân nên chọn những nhà hàng buffet có nhân viên phục vụ và đồ ăn được nấu chín ngay tại bàn.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia, để phòng bệnh, khách hàng không nhất thiết chỉ vệ sinh tay trước và sau khi ăn, hãy rửa tay thường xuyên nhất có thể như khi vừa chạm vào tay nắm cửa, cuốn thực đơn hay vừa thanh toán… Các chuyên gia cũng khuyến nghị, trong mùa dịch, người dân nên hạn chế chia sẻ đồ ăn, đồ uống trực tiếp và tránh dùng chung dụng cụ ăn như đũa, thìa. Mỗi người nên chuẩn bị chén, bát, thìa và dĩa riêng. Ngoài ra, trên bàn ăn, mỗi người cần trang bị thêm những dụng cụ chuyên dùng để gắp thức ăn.
Theo Kinhtedothi.vn