Nhà giáo ủng hộ bỏ quy định đuổi học

Nhiều nhà giáo, chuyên gia hoan nghênh bỏ hình thức đuổi học với học sinh, đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ việc “tạm dừng học trên lớp”.

Trong dự thảo quy định khen thưởng và kỷ luật học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến mức kỷ luật cao nhất đối với các em vi phạm nội quy trường học là dừng học tập trên lớp hai tuần, thay vì đuổi học.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết ủng hộ quy định mới vì tính nhân văn. Hơn 30 năm trước, những nhà quản lý ở Bộ Giáo dục và Đào tạo có lý do riêng để đưa ra các hình thức xử lý kỷ luật học sinh, trong đó có đuổi học. Thông tư 08/1988 đã có tác dụng nhất định trong việc ổn định nề nếp, kỷ cương trường học nên mới duy trì lâu như vậy.

Tuy nhiên, bối cảnh xã hội hiện nay đã khác. Vấn đề bảo vệ quyền trẻ em được chú trọng nên cách hành xử với trẻ phải khéo léo. Vai trò và trách nhiệm của thầy cô, nhà trường thêm nặng nề. Muốn kỷ luật học sinh, trước hết cần tìm ra nguyên nhân, chỉ cho các em thấy được cái sai. Mục đích của kỷ luật là uốn nắn, giúp các em nhận ra lỗi lầm và trở nên tốt hơn, nên việc đuổi học không phù hợp.

“Dĩ nhiên nói thì dễ, bắt tay vào làm mới khó, nhất là khi có nhiều học sinh rất khó bảo. Vì thế nhà giáo phải rất kiên trì, coi các em như con cháu trong nhà, dạy bảo với tấm lòng, tình thương và trách nhiệm”, ông Ngai nói.

Nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cũng đề nghị cân nhắc kỹ quy định tạm dừng học tập trên lớp. Hơn 40 năm làm giáo viên, quản lý trường THPT rồi công tác ở Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, ông nhận thấy phần lớn học sinh ngỗ nghịch, quậy phá thường có hoàn cảnh gia đình không hòa thuận. “Khi vừa học kém, cha mẹ ít quan tâm mà lại đẩy các cháu ra ngoài thì rất nguy hại cho chính các cháu và cho xã hội”, ông Ngai nói.

Với hơn 20 năm quản lý giáo dục, hiệu trưởng một trường THPT ở TP HCM cũng đồng tình bỏ quy định đuổi học vì vừa không nhân văn lại không hiệu quả. Học sinh vi phạm đến mức đuổi học theo quy định trước đây thường rơi vào những lỗi rất nặng, chủ yếu về hạnh kiểm, đạo đức như đánh nhau, xúc phạm bạn bè, thầy cô.

Nhiều em xem bị đuổi học như “phần thưởng” bởi thực chất không thích đi học mà chỉ thích bày trò quậy phá, lêu lổng. Khi đó, việc kỷ luật các em chẳng những không mang lại hiệu quả mà còn gây ra những hậu quả khôn lường. “Không đi học, học sinh càng có thời gian chơi bời, giao du với những thành phần không tốt. Từ một học sinh hư hỏng, bị bỏ ra ngoài rìa không khéo trở thành tội phạm”, ông chia sẻ.

Hiệu trưởng này cơ bản đồng tình với tất cả quy định trong dự thảo nhưng góp ý nên bỏ hoặc làm rõ quy định “tạm dừng học trên lớp”. Bởi nếu duy trì hình thức kỷ luật này một cách cơ học thì về bản chất không khác lắm “đuổi học một tuần lễ” như trước đây. “Các em này thường vừa nghịch ngợm, quậy phá, vừa học yếu. Nếu cho nghỉ học thì các em sẽ thiệt thòi, càng không theo kịp bạn bè. Chưa kể thời gian nghỉ học, ở nhà không ai trông nom thì càng thêm hư”, ông nói.

Nữ hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Nội cũng ủng hộ bỏ quy định đuổi học vì hiện nay rất hiếm trường đuổi học học sinh, chủ yếu phê bình, cảnh cáo mang tính răn đe. Tuy nhiên, bà băn khoăn quy định tạm dừng học tập 2 tuần vì hiện học sinh không được nghỉ quá 45 ngày một năm, nếu quá sẽ phải lưu ban. “Tôi không rõ nếu đình chỉ học 2 tuần mà các em tái phạm, nhà trường có thể áp dụng quy định này bao nhiêu lần để đảm bảo quyền lợi cho học sinh”, cô nói.

Đối với những học sinh hư, các hình thức xử phạt không có nhiều tác dụng, nữ hiệu trưởng cho rằng nhà trường cần phối hợp với gia đình tìm cho học sinh một môi trường học tập khác phù hợp hơn, đáp ứng năng lực và đạo đức của em đó. “Giáo dục không chỉ là trách nhiệm của riêng nhà trường mà còn của phụ huynh, gia đình. Thay vì đuổi học, hai bên có thể trao đổi để tìm ra cách tốt nhất cho học sinh”, nữ hiệu trưởng cho hay.

Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Thầy Nguyễn Hoàng Chương, Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát, tỉnh Lâm Đồng, cho rằng trong gần 23 triệu học sinh cả nước, không phải em nào cũng có tính cách, hoàn cảnh giống nhau để áp dụng những hình thức kỷ luật giống nhau. Do đó, cần thành lập trường chuyên biệt với những giáo viên có chuyên môn sư phạm, tâm lý dành cho những học sinh cá biệt, giúp các em tiến bộ.

Trong gần 20 năm làm hiệu trưởng, thầy Chương từng hai lần ký quyết định đuổi học. Lần thứ nhất áp dụng với một học sinh lớp 10 đi xe máy, chở thêm hai bạn khác và đâm chết một học sinh; lần thứ hai là một học sinh nữ, đánh và xé quần áo của bạn rồi đăng lên mạng xã hội, cách đây 11 năm. “Thời điểm đó, tôi đọc rất nhiều văn bản, quy định để tìm cách giải quyết hợp lý nhất. Cuối cùng lựa chọn hình thức đuổi học có thời hạn”, thầy kể.

Trong khoảng một vài tháng thi hành quyết định, thầy Chương vẫn cho học sinh đến trường, ngồi phòng riêng đọc sách và lao động. Sau khi thực hiện kỷ luật, một số học sinh thay đổi, đến nay đều trưởng thành, nên không thể khẳng định lúc nào đuổi học cũng là tiêu cực. “Tôi rất đồng tình với dự thảo ở khía cạnh ưu tiên áp dụng các biện pháp kỳ luật tích cực, cho em thực hiện một số nhiệm vụ, giúp đỡ người khác”, thầy nói.

Ở góc độ pháp luật, thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên khoa Luật, Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng dự thảo thông tư là một bước đi tiến bộ, phù hợp với các quy định về quyền trẻ em, bảo vệ danh dự và nhân phẩm của công dân. Trước đây, hình thức cảnh cáo trước toàn trường thường đi kèm với việc bắt học sinh đứng trước cột cờ trong buổi chào cờ đầu tuần, rất phản cảm. Đành rằng các em lỗi nhưng hình thức xử lý như vậy là không tôn trọng danh dự, nhân phẩm học sinh. Chưa kể, người bị xử lý đôi khi càng thêm mặc cảm và trở nên bất cần, việc kỷ luật trở thành “lợi bất cập hại”.

Thạc sĩ Quang cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quy định “tạm dừng học trên lớp” và yêu cầu nhà trường phối hợp với chính quyền cấp xã quản lý, giáo dục học sinh bởi điều này không khả thi. “Chính quyền cấp xã liệu có đủ cán bộ và chuyên môn để làm chuyện này? Trong khi không ai hiểu và dạy dỗ các em tốt hơn thầy cô. Tại sao phải tạm dừng học tập?”, ông Quang đặt vấn đề.

Những em từ 14 tuổi trở lên (bắt đầu phải phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng) mà có những hành vi nguy hiểm như đánh nhau, gây thương tích… thì có thể áp dụng việc tạm dừng học tại lớp nhưng vẫn phải đến trường, có giám thị giám sát.

Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ hoàn toàn 5 hình thức kỷ luật được quy định từ năm 1988. Theo đó, học sinh vi phạm kỷ luật sẽ không bị khiển trách trước lớp, trước hội đồng kỷ luật của trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần lễ hay một năm học như hiện nay nữa.

Nếu như ở thông tư 08 năm 1988, mức kỷ luật cao nhất là “đuổi học một năm” thì dự thảo thông tư mới thay từ “đuổi học” thành “tạm dừng học tập trên lớp” với mức tối đa chỉ còn hai tuần. Học sinh phải chịu hình thức kỷ luật này khi đã bị cảnh cáo mà vẫn tái phạm, có hành vi đánh nhau có tổ chức; xâm phạm nhân phẩm, thân thể giáo viên, học sinh khác.

Về khen thưởng, dự thảo thông tư vẫn để các hình thức quen thuộc như tuyên dương trước lớp, trước toàn trường hay tặng giấy khen.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến với dự thảo này đến hết ngày 31/10.

>> Xem toàn văn dự thảo

Mạnh Tùng – Thanh Hằng

Nguồn bài viết

Bài trướcTín hiệu mạng 5G có ảnh hưởng đến sức khỏe con người hay không? | Công nghệ
Bài tiếp theoHyundai Grand i10 đòi lại ngôi vương từ