Được kỳ vọng sẽ giải quyết nhà ở cho người có thu nhập thấp, thế nhưng, hiện nay, phân khúc nhà ở thương mại cho thuê giá thấp đang bị các “ông lớn” bỏ rơi.
Hiện nay rất hiếm chủ đầu tư lớn tham gia vào phân khúc nhà ở thương mại cho thuê giá thấp. Ảnh minh họa: Vũ Đức Anh
Năm 2012, thị trường BĐS Việt Nam bất ngờ dậy sóng khi 1 doanh nghiệp tại TP.HCM công bố dự án nhà ở thương mại cho thuê dài hạn tối đa 49 năm, với mức phí thuê chỉ 290 triệu đồng (tương đương 500.000 đồng/căn hộ/tháng).
Kể từ đó đến nay, rất hiếm chủ đầu tư lớn tham gia vào phân khúc nhà ở thương mại cho thuê giá thấp. Chỉ có một số ít doanh nghiệp nhỏ tại TP.HCM rót tiền vào phân khúc này với quy mô nhỏ, trong khi tại Hà Nội, phân khúc này gần như “biến mất” khỏi thị trường.
Theo giới chuyên gia BĐS, phân khúc nhà ở thương mại giá thấp cho thuê dài hạn có nhiều tiềm năng và có thể giải quyết được bài toán an sinh xã hội cho người thu nhập trung bình và thấp.
Song, trong bối cảnh hiện tại, Chính phủ chưa có cơ chế chính sách nào đủ mạnh mẽ để kêu gọi doanh nghiệp tham gia phát triển mảng nhà ở cho thuê giá thấp. Chính vì thế, gần như phân khúc này bị “bỏ rơi” trong thời gian dài.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trước đây, Chính phủ cũng từng có ý định kích thích phát triển phân khúc này thông qua các gói hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các “ông lớn” trong ngành gần như nằm ngoài cuộc chơi này, do không mang lại nhiều lợi nhuận và phải đối mặt với nhiều rủi ro về thanh khoản, nguồn vốn.
Chỉ có một số ít các chủ đầu tư vừa và nhỏ tỏ ý muốn phát triển dòng sản phẩm nhà ở cho thuê giá thấp. Dù vậy, nguồn vốn của các doanh nghiệp này tương đối thấp, chỉ vài chục tỷ cho tới trăm tỷ đồng, như vậy, không đủ năng lực phát triển dự án trên quy mô lớn.
phân khúc nhà ở thương mại giá thấp cho thuê dài hạn có nhiều tiềm năng song rất ít doanh nghiệp hào hứng tham gia. Ảnh minh họa
Ông Đính nhìn nhận, một chủ đầu tư muốn phát triển nhà ở cho thuê giá thấp cần có nguồn vốn ít nhất 300 – 400 tỷ đồng, nhưng để thu hồi vốn phải mất tới vài chục năm, gom góp vài trăm nghìn đồng tiền thuê nhà.
Trong trường hợp, chủ đầu tư đó quyết tâm làm, chắc chắn chỉ cần xong một dự án là hết tiền làm dự án sau, như vậy là chết vốn.
Để kích thích phân khúc này tăng trưởng trong thời gian tới, theo ông Đính, Chính phủ nên miễn hẳn tiền thuê đất và giảm một số loại thuế có liên quan, như thuế VAT, thuế thu nhập xuống mức tối thiểu.
Đồng thời, Chính phủ phải có các gói hỗ trợ về nguồn vốn và lãi suất cho vay phải dưới 10%/năm: “Nếu không có các chính sách hỗ trợ như tôi đã nói, thì trong tương lai, phân khúc này vẫn sẽ biến mất trên thị trường BĐS”, ông Đính nói thêm.
Theo nhiều chuyên gia Chính phủ cần có những chính sách như giảm thuế, giảm tiền thuê đất… để kích thích các doanh nghiệp tham gia. Ảnh minh họa
Cùng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng, bên cạnh các chính sách ưu đãi cho nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, thì cần có các chính sách tương tự đối với phân khúc nhà ở thương mại cho thuê giá thấp. Trong đó, mức giá cho thuê phải được giới hạn ở mức 5 triệu đồng/tháng.
Để tăng nguồn cung nhà ở thương mại cho thuê giá thấp, chủ tịch HoREA đề xuất 6 chính sách hỗ trợ.
Trong đó, điểm quan trọng nhất là giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; đồng thời giảm 50% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án và được chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày được giao.