‘Đoảng’ việc bếp núc
Khi mẹ Chi về Việt Nam chữa bệnh, cô gái mới bắt đầu mày mò nấu nướng. Chi kể: “Thiếu vắng mẹ, bố trở thành bếp chính. Mỗi khi bố nấu ăn, mình lại ra cửa hàng gia đình để phụ giúp trông nom. Thấy mình rảnh rỗi, bố bày thêm việc cho làm”. Nhờ vậy mà lúc bấy giờ, Chi mới bắt đầu học những bước nấu ăn cơ bản nhất. Thế nhưng khi gia đình trở về đông đủ, mẹ Chi lại làm chủ căn bếp nhỏ để cô con gái có thể tập trung chăm lo cho cửa hàng quần áo của riêng mình.
|
|
Chi kể: “Công việc của mình khá bận rộn, phải làm quần quật cả ngày, có khi kéo dài đến tận cuối tuần. Vì vậy, Chi lại càng ỷ lại vào mẹ, quên hết tất cả mọi kỹ năng bếp núc”. Mãi về sau này, khi đã kết hôn và chuyển ra ở riêng, Chi mới bắt đầu nhen nhóm ý định quay lại căn bếp nhỏ. Thật may, cô nàng có một người chồng vừa đảm đang lại thoáng tính, luôn chỉ dạy, góp ý từng chút nên Chi càng tiến bộ hơn.
Cố làm bánh vì ‘có thực mới vực được đạo’
Khánh Chi bắt đầu tra cứu các công thức trên mạng, tìm mua nguyên liệu và tiến hành làm bánh mỗi khi về nhà thăm cha mẹ vào mỗi dịp cuối tuần. Thời gian đầu, chiếc bánh nào Chi làm ra cũng hỏng, không bị sống, vụn thì cũng chảy kem. “Mẹ nhìn chỉ biết cười trừ cho qua còn chồng thì lâu lâu lại chọc ghẹo, kêu Chi nghỉ thôi vì tốn thời gian lắm. Tiết trời còn nóng nực, chẳng phù hợp để chui vào lò làm bánh nữa”, Chi kể.
|
|
|
Cứ vậy, mỗi tuần hai lần, mỗi lần làm liên tiếp hai loại bánh, một tháng sau Chi mới có được mẻ bánh thành công đầu tiên. Cô nàng tự nhận xét: “Mỗi lần làm bánh, mình đều cố gắng chăm chút thật kỹ từng bước một. Không những vậy, Chi cũng thích sáng tạo để sản phẩm có gì đó mới mẻ, mang dấu ấn cá nhân. Thế nên, lâu lâu thành quả có chút hỏng hóc là chuyện bình thường”.
Được hỏi vì sao phức tạp và tốn nhiều công sức như vậy mà Khánh Chi vẫn kiên quyết phải làm thì cô nàng chia sẻ: “Làm những món bánh truyền thống làm mình nhớ nhà, nhớ lại những hương vị gắn liền với thời thơ ấu. Cảm giác đó đối với những người con xa xứ có ý nghĩa vô cùng”.
Tăng thêm gia vị hạnh phúc cho gia đình
|
|
|
Quan trọng nhất là cô gắn kết, chia sẻ tình yêu đến các thành viên trong gia đình. Chi cũng học thêm một số món ăn phức tạp để hoàn thiện một bữa cơm ấm cúng. Nhìn cả gia đình cùng quây quần bên mâm cơm do tự tay mình nấu khiến Chi vô cùng hạnh phúc.
Chi cũng thay chồng nấu nhiều bữa ăn cho cả hai sau khi kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi, giảm bớt phần nào gánh nặng cho anh. Chi chia sẻ: “Sau này biết nấu nhiều món hơn rồi, mình cũng thoát ra khỏi vị trí “phụ bếp” để tự tay vào bếp. Cũng vì vậy mà có lúc hai vợ chồng cãi nhau vì chẳng tìm ra được phương thức nấu ăn chung. Nhưng cũng như vậy mà cuộc sống vợ chồng tăng thêm gia vị hạnh phúc”.
Hỏi Khánh Chi rằng cô nàng có ý định sẽ mở một tiệm bánh cho riêng mình hay không, Chi cũng thật thà bảo có. Ý tưởng mở một tiệm bánh đã được Chi nhen nhóm từ cái mẻ bánh bông lan thành công đầu tiên được ra lò. Nhưng dần dần, vì khó khăn về kinh tế cùng với sự thiếu hụt về kinh nghiệm, Chi càng nhận ra rõ bản thân vẫn cần một quãng thời gian để trau dồi tay nghề nhiều hơn nữa. “Nhưng mong rằng trong một tương lai không xa, Chi có thể thực hiện được ước mơ này để vừa thỏa mãn sở thích cá nhân, vừa hỗ trợ kinh tế cho gia đình”, Chi bày tỏ.