Riêng với cây phượng, theo ông Kính là một loại cây tán rộng, rất mát nhưng khó chăm sóc. Với những cây to từ 40 cm trở lên là rễ bắt đầu trồi lên, cành nhánh rất giòn, dễ gãy, gốc rất dễ mục… do vậy các trường nên hạn chế trồng và phải kiểm tra thường xuyên nếu có.
PGS-TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị (Trường ĐH Lâm nghiệp), cho rằng hiện nay nhiều khuôn viên trường trồng quá nhiều cây như phượng, hoa sữa, bàng, cau vua, sanh, đa… Những loài cây này thường cho hoa đẹp, ấn tượng của mùa hè nhưng rất dễ gãy nhánh đổ thân. Ở một số trường học mới xây dựng, cũng đưa vào trồng những cây giống kích thước đường kính lớn từ 25 – 30 cm, chiều cao từ 6 – 7 m với hy vọng nhanh tạo bóng mát và đẹp mắt. Tuy nhiên, những cây này khi chuyển về trồng rễ cái đều bị chặt bỏ nên khả năng đứng vững trước gió bão rất kém. Hơn nữa, những cây này còn rất dễ bị mục thân và chỗ cành lớn bị cắt nên nguy cơ tự đổ gãy trong tương lai là rất cao.
Tránh đổ bê tông kiên cố sát tận vào gốc Theo PGS-TS Đặng Văn Hà, có hiện tượng đổ bê tông kiên cố sát tận vào gốc những cây đã trồng lâu năm. Điều đó làm cho hệ rễ cây dưới đất không hô hấp được dẫn đến bị chết mục cây và có thể tự đổ bất cứ khi nào. Thậm chí, một số trường còn “sáng tạo” xây bồn cao 40 – 50 cm, vây kín quanh gốc cây để tạo chỗ ngồi chơi cho học sinh, điều này cũng rất nguy hiểm. Bởi vì việc xây bồn cao sẽ làm hệ rễ phía dưới càng nhanh bị hỏng, cây cành dễ đổ.
|