Anh Nguyễn Phước Đạt ở phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, Đồng Tháp không ngừng tìm tòi, lai ghép và tạo ra những chậu hoa giấy có nhiều màu sắc khác nhau…
Sau khi ghép thành công thì việc tạo tán cho cây và xử lý cho cây ra hoa cũng là một yếu tố đòi hỏi sự kỳ công.
Từ những chậu hoa giấy thông thường, qua bàn tay của anh Đạt, giá trị của chúng đã tăng cả chục lần, tạo sự hứng thú với nhiều khách hàng.
Sau thời gian học hỏi trên mạng và những người đi trước, không ít lần thất bại trong việc ghép cây, nhưng nhờ sự kiên trì mà đến nay, anh Đạt đã thành công và sở hữu khu vườn hơn 1.000 chậu hoa giấy ghép.
Những cây hoa giấy thông thường sẽ chỉ có 1 màu duy nhất nên giá trị không cao lại ít người ưa chuộng. Do đó, để nâng giá trị cho cây, anh Đạt đã tiến hành ghép lên nhiều màu khác nhau trên cùng 1 cây như: trắng, đỏ, hồng, vàng, cam…
Theo anh Đạt, để đánh giá về giá trị của chậu hoa giấy thì phải xem xét nhiều yếu tố như: bộ gốc, dáng thế, độ tuổi và số lượng màu hoa được ghép trên cây. Có những cây lâu năm, dáng thế và hoa đẹp có giá lên đến vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, việc ghép cây cũng đòi hỏi kỹ thuật bởi không phải lúc nào việc ghép cũng thành công.
Xem Video: Nâng cao thu nhập nhờ việc ghép hoa giấy
XEM VIDEO CLIP: EnoAhFJkX1k
Anh Đạt chia sẻ: “Để ghép cây hoa giấy đạt chất lượng, thứ nhất là thân cây phải tốt, cây phải sung. Ngoài ra nhánh ghép phải non, phải đạt thì khi ghép độ dính và sống mới cao. Khi ghép thì phải lựa những bo phải tơ, đừng già quá vì già quá thì chất mủ ít nên ghép ít dính, thường ta nên chọn đoạn giữa của nhánh thì sẽ ghép đạt từ 70 – 90%”.
Hiện tại, mỗi tháng, cơ sở hoa kiểng của anh Đạt cung ứng cho thị trường hàng trăm cây hoa giấy ghép gồm ghép thái và ghép cẩm thạch. Để có đủ nguồn cây cung ứng cho khách hàng, anh Đạt đã liên kết với một số hộ nông dân cung ứng cây phôi, sau đó tiến hành ghép.
Theo anh Đạt, từ lúc thực hiện ghép cây cho đến lúc bán phải mất thời gian khoảng 3 tháng. Để ghép cây thành công thì đòi hỏi người ghép phải tỷ mỷ từng khâu, kiên nhẫn và tích cực chăm sóc.
Anh Đạt phải thực hiện ghép hoa liên tục mới đủ số lượng cung ứng cho khách hàng.
Nói về kỹ thuật ghép cây hoa giấy, anh Đạt chia sẻ bí quyết: “Mình chọn cây ghép xong thì bỏ hết lá trên thân cây, sau đó tìm những nhánh bo để ghép, cắt thân cây dạt xéo, nhánh bo ghép cũng dạt xéo tương tự rồi quấn băng keo lại, dùng nilon bọc lại và buộc kín.
Trong bọc sẽ có không khí chân không sẽ nuôi nhánh ghép không bị khô, còn nếu không có bọc để nó ở ngoài không khí thì bo ghép sẽ bị khô, không sống.
Sau khoảng 10 ngày thấy nó ra chồi thì khoảng 5 ngày sau mới cắt dây cho nó hở ra, không khí sẽ vô nuôi nhánh ghép, chừng khoảng 2 ngày sau mới rút bọc nilon ra, là bắt đầu nó tự sống”.
Do đòi hỏi tính công phu nên việc ghép hoa giấy rất ít người theo đuổi, cũng từ đó mà hiện nay các sản phẩm hoa giấy ghép tại làng hoa Sa Đéc còn khá khiêm tốn, cung không đủ cầu. Ngoài những cây hoa giấy giá vừa túi tiền vài trăm ngàn đồng, cơ sở của anh Đạt còn có những chậu hoa giấy giá vài chục triệu đồng nhưng vẫn nhiều khách hàng lựa chọn.
Sau thời gian tham quan tại vườn và lựa chọn cho mình 1 cây hoa giấy ưng ý, ông Ngô Văn Phú- một khách hàng ở TP. Cần Thơ nhận xét: “Vườn của anh Đạt có rất nhiều hoa giấy, đặc biệt là bông giấy ghép nhiều màu trông rất đẹp mắt , giá trị cũng cao, nhìn rất bắt mắt, có nhiều loại, kích thước cũng đa dạng để người mua lựa chọn theo túi tiền của mình”.
Việc không ngừng sáng tạo và tìm tòi đã bước đầu giúp anh Đạt thành công trong hướng đi của mình. Không chỉ góp phần tăng thu nhập cho gia đình mà công việc ghép hoa giấy của anh Đạt còn tạo thêm nhiều sản phẩm độc đáo, làm cho bức tranh làng hoa Sa Đéc ngày càng thêm đa dạng, phong phú, thu hút người yêu hoa.