Mạnh toán hình nhưng đề thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2020 chủ yếu về đại số, Trương Tuấn Nghĩa vẫn đạt 32/42 điểm, giành huy chương vàng.
Tối 27/9, Trương Tuấn Nghĩa, học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng gia đình hồi hộp đợi kết quả thi IMO. Em nhẩm tính được 32/42 điểm nhưng không biết có giành huy chương hay không.
Khi được PGS Lê Anh Vinh, Trưởng đoàn IMO 2020, thông báo giành giải vàng, Nghĩa và bố mẹ reo lên sung sướng. “Em không thể đoán được kết quả này. Huy chương vàng nằm ngoài mong đợi với em”, Nghĩa hào hứng kể.
Cậu học trò quê Nghệ An lớn lên trong môi trường sư phạm vì bố, ông nội là giáo viên Toán, mẹ dạy tiếng Anh. Một lần đón con từ lớp mầm non về, cô giáo bảo con biết làm tính cộng, ông Trương Chí Trung ngạc nhiên vì “gia đình hoàn toàn chưa dạy Nghĩa kiến thức Toán học”.
Lúc Nghĩa lên 4 tuổi, gia đình chuyển về Hà Nội sinh sống. Khi bố mẹ bận rộn việc sắp xếp cuộc sống, công tác và chưa có nhiều bạn bè tại nơi ở mới, Nghĩa tự chơi với các con số và ngày càng bộc lộ thiên hướng Toán học. Mỗi lần nghỉ hè về quê chơi, em dành cả ngày đọc sách của ông nội. Mỗi năm ông nội mua thêm sách đúng độ tuổi cho em đọc. “Sau vài năm, em đã đọc hết tủ sách Toán phổ thông của ông lúc nào không biết”, Nghĩa nói.
Say mê Toán, những lúc được bố đón từ lớp học thêm về nhà, Nghĩa và bố thường tranh luận về những bài toán khó hoặc tìm thêm cách giải mới. Nhiều lần em thắng bố, đưa ra cách giải tối ưu hơn. “Những lúc như thế, tôi không buồn vì con dám vượt mặt mình. Với tôi, những cuộc nói chuyện đó giúp con rèn khả năng tư duy theo nhiều hướng để cùng giải quyết một vấn đề”, ông Trung nói.
Ông Trung hiểu không nên và không thể ép một đứa trẻ phát triển theo hướng bố mẹ muốn. Vợ chồng ông tôn trọng quyết định và đam mê của con, cảm thấy may mắn khi con lựa chọn Toán học, lĩnh vực gia đình có thế mạnh để hỗ trợ tốt hơn.
Trở thành học sinh hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, sau là THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Nghĩa thấy bạn bè đều có khả năng học tốt nên có động lực để thi đua, tập trung vào môn học yêu thích. Điểm trung bình các môn em nằm ở giữa lớp, riêng điểm Toán luôn ở top đầu.
Tuy nhiên, hành trình đến với huy chương vàng không suôn sẻ. Cuối năm ngoái, Nghĩa cùng 9 học sinh trong đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên tham dự một bài kiểm tra tại Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Em làm bài không tốt, chỉ đứng thứ 9/10 thành viên.
Thời điểm đó, đã có lúc Nghĩa nghĩ cơ hội giành giải quốc gia và thi Olympic khép lại. Nhưng em không từ bỏ mà cố gắng nhiều hơn trước. Kết quả, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi Toán quốc gia năm 2019, Nghĩa đạt giải nhất, là thí sinh cao điểm nhất toàn quốc, giành một suất trong đội tuyển Olympic.
Trong hai tháng ở ký túc xá tập huấn cùng các bạn, Nghĩa học cách sống tự giác, chủ động sắp xếp thời gian học và nghỉ ngơi. Chàng trai sinh năm 2003 tự nhận không có bí quyết học tập đặc biệt, vì yêu thích nên học Toán gần như bản năng. Ngoài các buổi học với thầy cô, em tự học buổi tối thêm 1-2 tiếng, ngủ trước 12h.
Có những bài 2-3 ngày không giải được, Nghĩa thấy buồn bực khó chịu. Để giải tỏa và lấy lại cân bằng, em nghe nhạc nhẹ, chơi cờ tướng và cầu lông cùng các bạn trong đội. Nam sinh có thế mạnh về việc giữ tập trung tốt. Một khi đã làm Toán, xung quanh có ồn ào cỡ nào, em cũng không bị phân tâm.
Vì mới học lớp 11, Nghĩa đặt mục tiêu có huy chương trong lần thi này. Trường hợp không như mong muốn, em vẫn còn một năm nữa để cải thiện nên luôn giữ tinh thần học tập thoải mái, tránh tự đặt áp lực cho bản thân.
Trong ngày thi Olympic đầu tiên, Nghĩa làm được hết ba bài, tự tin nhất với bài hình vốn là thế mạnh. Tuy nhiên, sang ngày thứ hai, em chỉ làm được một nửa bài 4 và không giải được bài 6 khó nhất. “Nhẩm tính được điểm của mình, em hơi lo lắng không được huy chương như mục tiêu ban đầu”, Nghĩa kể.
Ngô Quý Đăng, thành viên cùng đội tuyển, cho rằng Nghĩa không được may mắn lắm khi đề thi Olympic Toán chỉ có một bài hình, còn lại là đại số, phần không phải thế mạnh của Nghĩa. “Thế nhưng việc tự vượt qua giới hạn bản thân, làm được gần hết bài đại số còn lại và đạt 32/42 điểm cho thấy anh Nghĩa có khả năng thích nghi với mọi loại đề”, Đăng nói.
PGS Lê Anh Vinh, Trưởng đoàn IMO Việt Nam 2020, đánh giá Nghĩa trầm tĩnh nhưng luôn cho thấy sự nổi trội trong đội tuyển. Biết Nghĩa từ khi học cấp 2, thầy Vinh ấn tượng về khả năng học Toán của em. Sau vài năm gặp lại, thầy tiếp tục bất ngờ vì học trò tiến bộ rất nhiều. “Việc giành huy chương vàng phản ánh chính xác năng lực của Nghĩa và em xứng đáng với kết quả này”, thầy Vinh nói.
Về phía Tuấn Nghĩa, em khiêm tốn cho rằng việc giành huy chương vàng có yếu tố may mắn. Khi bố mẹ hỏi muốn thưởng gì, em chỉ muốn có một vài ngày xả hơi, gặp gỡ bạn bè để bù lại khoảng thời gian ôn thi căng thẳng, rồi nhanh chóng quay lại với nhịp sống thường ngày.
Nghĩa và gia đình coi tấm huy chương Olympic Toán quốc tế là kỷ niệm đẹp trong quãng đời học sinh, không vì nó mà ngủ quên trên chiến thắng. Trong bữa tiệc sinh nhật 17 tuổi hôm 18/9 được thầy cô và các bạn tổ chức, Nghĩa ước có thể tiếp tục theo đuổi đam mê Toán, sau này có công việc gắn liền với lĩnh vực này.
Nam sinh chưa đặt mục tiêu xa cho năm sau vì có thể khiến bản thân gặp áp lực. Trước mắt, em sẽ tích cực chơi thể thao, rèn luyện thể lực nhiều hơn và tự học thêm Toán song song với chương trình học chính khóa trên lớp. “Với em, Toán giống như một người bạn. Khi học với tâm thế thoải mái, em tiếp thu kiến thức tốt và tự tin vào bản thân hơn”, Nghĩa nói.
Thanh Hằng