Năm học mới còn nhiều khó khăn của học sinh vùng cao

Nhiều học sinh trường Tiểu học Thanh Kim (Lào Cai), Phổ thông dân tộc bán trú xã Thanh Lòa (Lạng Sơn) có gia cảnh khó khăn, chưa đủ dụng cụ học tập.

Trường Tiểu học Thanh Kim, thuộc xã Thanh Kim (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Đây là một trong những xã thuộc Chương trình 135 (chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi).

Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Đắc Chiến (Phó hiệu trưởng phụ trách trường Tiểu học Thanh Kim), năm học mới, trường có 267 học sinh, chia thành 16 lớp từ lớp 1-5. 99% học sinh là dân tộc Dao, Mông; 1/3 trong số đó thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Thầy Đắc Chiến cho biết thêm, thu nhập chính các gia đình thường chỉ trông chờ vào vụ lúa, vụ ngô, nhưng mỗi năm chỉ làm được một vụ, tạm đủ ăn. Một số gia đình có điều kiện hơn nhờ vào trồng thảo quả nhưng cũng không chiếm đa số. Bình thu nhập của mỗi hộ cũng chưa đến một triệu đồng hàng tháng. Do đó, để lo miếng cơm manh áo, việc học của các em, nhất là khi dịch bệnh, cũng là gánh nặng với phụ huynh.

Mỗi năm học mới, một trong những vấn đề nhà trường quan tâm là sách giáo khoa, dụng cụ học tập, có đủ phòng học, nâng cao điều kiện giảng dạy. Trường Tiểu học Thanh Kim hiện có một trường chính với 5 điểm trường ở các thôn. Các điểm trường xây dựng từ nhiều năm.

Trong đó, Lếch Mông A là điểm trường xa nhất của xã, xuống cấp sau thời gian dài hoạt động như tường ốp ván gỗ hỏng nhiều, ô cửa kính bị vỡ… Nhờ sự hỗ trợ của đơn vị xã hội nên điểm trường Lếch Mông A được xây mới và sắp sửa hoàn thành trong năm học này.

Hiện trạng của trường ai phòng học đã hỏng, hai phòng còn lại vẫn sử dụng được, diện tích khoảng 16 mét vuông

Hiện trạng của điểm trường Lếch Mông A với phòng học hư hỏng nhiều, diện tích khoảng 16 mét vuông vào năm 2019 và đang được xây mới, sắp sửa hoàn thành.

Giống như trường Tiểu học Thanh Kim, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Thanh Lòa (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), cũng thuộc Chương trình 135. Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Thanh Lòa còn là đơn vị trường học nằm trên địa bàn xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Năm học 2020-2021, nhà trường có 252 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, 100% học sinh là dân tộc thiểu số.

Cô Phạm Thị Hồng, hiệu trưởng nhà trường cho biết, đời sống của người dân trước đây rất vất vả, tuy nhiên, từ khi có mô hình trồng cây thông, hạt dẻ, quýt… thì được cải thiện dần. Nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, việc trồng trọt còn mang tính tự phát nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Người dân chủ yếu sống dựa vào nông – lâm nghiệp và chăn nuôi gia cầm, Covid-19 lan rộng nên cũng bị ảnh hưởng. Do đó, năm học này, gánh nặng dồn lên vai các bậc phụ huynh. Để phụ giúp gia đình, ngoài giờ đến lớp, nhiều em đi lấy nhựa thông, làm cỏ… ở các đồi, nương rẫy.

Theo cô Hồng, sự nhận thức của bà con ở địa phương cũng còn hạn chế nên chưa chú trọng nhiều đến việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Việc duy trì sỉ số qua các năm khá vất vả. Nhưng với nỗ lực “bám trường, bám lớp” của thầy cô, sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh, nhà hảo tâm, các đơn vị tài trợ nên những năm gần đây, nhà trường đã duy trì sỉ số đạt tỷ lệ 100%. Năm học này, nhiều học sinh được đón niềm vui đến trường.

Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Thanh Lòa tích cực tham gia xây dựng bài tại lớp. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Thanh Lòa tham gia xây dựng bài tại lớp. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Như hàng nghìn học sinh trên khắp đất nước, các em trường Tiểu học Thanh Kim cũng háo hức đến trường. Theo chia sẻ của thầy Đắc Chiến, tỷ lệ học sinh trong năm học mới tăng hơn. Hầu hết các em đều cố gắng học tập. Nhờ chính sách chăm lo cho đời sống của người dân, các giáo viên đến gia đình để vận động, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể qua các năm.

Để học sinh có điều kiện đến trường, san sẻ gánh nặng cùng phụ huynh, nhà nước hỗ trợ các em thuộc hộ nghèo mỗi tháng 100.000 đồng mua sách giáo khoa, vở và đồ dùng học tập (theo Nghị định 86). Những em thuộc hộ cận nghèo được cho mượn sách giáo khoa để học.

Còn với học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Thanh Lòa, cô Hồng cho biết, các em được hỗ trợ chi phí học tập, vở viết… Nhưng phần đa các em hiện chỉ có những quyển sách cơ bản, đối với sách bài tập hoặc sách còn thiếu, các em có thể xem cùng bạn, tham khảo tại thư viện trường.

Các em học sinh Tiểu học Thanh Kim trong một giờ học chữ.

Các em học sinh Tiểu học Thanh Kim trong một giờ học chữ. Ảnh: Nhà trường cung cấp

Để chung tay góp sức tặng sách giáo khoa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, rất nhiều độc giả đã và đang tham gia cuộc thi “Cả nhà cùng vẽ ước mơ” do Ngoisao.net và Công ty Cổ phần Bibica tổ chức. Mỗi bài dự thi, mỗi ước mơ được gửi trao là độc giả đã đóng góp một bộ sách giáo khoa tặng học sinh tiểu học hoặc trung học cơ sở có hoàn cảnh khó khăn tại một số tỉnh như Lào Cai, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hà Giang, Đắk Nông. Hoạt động tặng sách nằm trong chương trình “HURA sẻ chia yêu thương – tiếp sức đến trường” do Bibica triển khai.

Trường Tiểu học Thanh Kim, trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Thanh Lòa là hai trong 20 trường được nhận sách giáo khoa. Chương trình dự kiến sẽ trao 67 bộ sách giáo khoa cho học sinh tại trường Tiểu học Thanh Kim. Ngoài sách giáo khoa, các em còn nhận được 700 bữa ăn xế, 10 chiếc xe đạp. Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Thanh Lòa sẽ được tặng 200 bộ sách, 1.400 bữa ăn xế, 20 chiếc xe đạp. Thời gian dự kiến trao quà tặng vào cuối tháng 9.

Thầy Nguyễn Đắc Chiến cho biết, mỗi khi có sách giáo khoa, đồ dùng học tập hay quần áo mới, học sinh vui hẳn vì điều kiện gia đình còn thiếu thốn về nhiều mặt, quanh năm suốt tháng các em chỉ có 1-2 bộ quần áo mới. Sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp phần nào giúp các em vui đến trường.

Cô Phạm Thị Hồng cho biết, phần lớn học sinh của trường đi bộ đến lớp, có em phải đi bộ khoảng 10 km. Nhà trường sẽ dành tặng cho các em khó khăn những chiếc xe đạp với mong muốn rút ngắn khoảng cách đến trường. Với sách giáo khoa, nhà trường bổ sung cho các em còn thiếu sách và để dành cho năm học sau.

Chương trình “HURA sẻ chia yêu thương – tiếp sức đến trường” sẽ tiếp tục đến nhiều trường để trao tặng tổng cộng 2.000 sách giáo khoa, 14.000 bữa ăn xế và 200 xe đạp trong tháng 9 và tháng 10.

Kim Uyên

Nguồn bài viết

Bài trướcAmazon ra mắt dịch vụ game nền tảng đám mây Luna | Công nghệ
Bài tiếp theoGiá tiêu bất ngờ giảm, trong khi giá cà phê tiếp tục tăng