Chính quyền Washington đang cân nhắc chi khoảng 25 tỷ USD để khuyến khích các doanh nghiệp di chuyển cơ sở sản xuất chip về Mỹ.
Nếu được thông qua, đây sẽ là gói tín dụng lớn nhất mà chính phủ Mỹ từng sử dụng để kích thích một ngành công nghiệp. Mặc dù vẫn có những lo ngại về khả năng xáo trộn thị trường mà khoản hỗ trợ này gây ra, trước bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp thuê đối tác Trung Quốc chế tạo chip tiên tiến, Mỹ buộc phải có động thái phòng vệ trước khi phải thỏa hiệp vấn đề an ninh quốc gia vì lợi ích kinh tế.
Theo báo cáo của Quỹ đổi mới và công nghệ thông tin (ITIF), năm 2019, các công ty sản xuất vật liệu bán dẫn của Mỹ kiểm soát thị phần toàn cầu với khoảng 47%. Trong khi đó, các công ty Hàn Quốc xếp thứ 2 với 19% thị phần và còn lại là các công ty Nhật – đứng thứ 3 với 10% thị phần.
Tuy nhiên Boston Consulting Group (BSG) ước tính các công ty sản xuất chip của Mỹ thực tế chỉ sản xuất 12% sản phẩm chất bán dẫn trên thế giới. Họ chủ yếu thiết kế bảng mạch chip, trong đó có Nvidia và Qualcomm. Nhóm các công ty này sẽ không tự tay chế tạo chip tại Mỹ mà thuê gia công tại các đối tác ở Đài Loan và một số nơi khác.
Trung Quốc hiện sản xuất khoảng 15% tổng số lượng chip trên toàn cầu, hoạt động sản xuất chip tại Trung Quốc được kỳ vọng tăng trưởng 24% trong 10 năm tới. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trở thành nước cung cấp các sản phẩm chip lớn nhất thế giới.
Với mong muốn ngăn chặn đà phát triển này, Mỹ đang tăng cường rót vốn trợ cấp để hỗ trợ ngành sản xuất này phát triển trong năm tài khóa 2021, bắt đầu từ tháng 10/2020.
Theo dự thảo, chính quyền liên bang sẽ cung cấp khoảng 3 tỷ USD hỗ trợ với mỗi dự án nghiên cứu và xây dựng nhà máy sản xuất các sản phẩm bán dẫn. Riêng việc xây dựng nhà máy bán dẫn có thể tiêu tốn 10 tỷ USD, phía Mỹ dự định thành lập quỹ 15 tỷ USD để hỗ trợ cho các dự án trong lĩnh vực này trong 10 năm tới.
Quốc hội Mỹ cũng đang bàn bạc việc cung cấp khoản tài chính 10 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng Mỹ nghiên cứu, sản xuất chip chuyên phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng. Nhiều công ty sản xuất chip của châu Á đang dần bắt kịp các công ty Mỹ trong phát triển công nghệ thu nhỏ kích thước bán dẫn và các công nghệ thế hệ tiếp theo.
Ngoài ra, chính quyền địa phương ở các bang tại Mỹ cũng sẽ hỗ trợ các công ty sản xuất chip qua chương trình giảm thuế và một số biện pháp tháo gỡ chính sách khác.
Tại Trung Quốc, việc chính phủ hỗ trợ cho các ngành, đặc biệt ngành công nghệ cao đã diễn ra từ lâu. Quỹ đầu tư vào ngành công nghiệp chip của chính phủ Trung Quốc (CICIIF) được thành lập năm 2014, cho đến nay đã đầu tư tổng cộng 140 tỷ nhân dân tệ tức là khoảng 20,5 tỷ USD.
Tính đến nguồn đầu tư từ chính quyền địa phương, tổng đầu tư ước tính khoảng 500 tỷ nhân dân tệ. Chính quyền Bắc Kinh đang đặt mục tiêu sản xuất trong nước được khoảng 70% số lượng chip sử dụng trong các ngành trước năm 2025.
Các sản phẩm bán dẫn là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, việc chính quyền Mỹ trợ cấp mạnh tay có thể vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, theo nguồn tin của Quốc hội Mỹ, tiền trợ cấp cũng được dành cho các doanh nghiệp nước ngoài và vì vậy không vi phạm.
Dự thảo của chính quyền Mỹ cũng có nhắc đến việc thành lập quỹ đa phương. Quỹ này sẽ được cùng đóng góp bởi Nhật, EU và một số nước đồng minh khác của Mỹ để cùng phát triển sản xuất chip.
Đăng Thiên (theo Nikkei Asian Review)