Mỹ – Cửa khó trong tham vọng toàn cầu của Tiktok

TikTok chinh phục được người dùng Mỹ nhờ nỗ lực của nhà sáng lập ByteDance Zhang Yiming, nhưng lại vấp phải rào cản từ giới chức Washington.

ByteDance, gã khổng lồ truyền thông xã hội đứng sau TikTok, là câu chuyện thành công thực sự đầu tiên của Trung Quốc trên thị trường Internet toàn cầu. Nhà sáng lập Zhang Yiming (37 tuổi) bắt đầu mở rộng ra nước ngoài từ rất sớm. Ông tin rằng chỉ khi có tầm vóc toàn cầu, một công ty mới có thể duy trì được lợi thế công nghệ.

Zhang đã thực hiện bước đi rất bài bản từ đầu. Ông phân chia hoạt động công ty rõ ràng giữa thị trường nội địa (vốn được chính phủ quản lý chặt) với thị trường quốc tế. TikTok ra mắt năm 2017 và là phiên bản quốc tế của Douyin – một trong những ứng dụng video hoạt động tại Trung Quốc của ByteDance. Và vì là ứng dụng quốc tế, người dùng TikTok không cần tuân theo các yêu cầu kiểm duyệt của Trung Quốc.

Dữ liệu người dùng được Zhang lưu trữ tại Virginia (Mỹ) và Singapore. Năm 2018, Indonesia từng tạm thời chặn TikTok vì có chứa nội dung không phù hợp. Dù gặp nhiều thách thức, Zhang nói rằng đi ra thế giới là cách duy nhất giúp họ tiếp cận tài năng và nguồn lực cần thiết để thành công lâu dài.

TikTok là phiên bản quốc tế của ứng dụng Douyin tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

TikTok là phiên bản quốc tế của ứng dụng Douyin tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tăng trưởng quốc tế là ưu tiên hàng đầu khi Zhang thâu tóm Musical.ly, một ứng dụng hát nhép của Trung Quốc đã thành công ở Mỹ và Châu Âu. Cuối năm 2017, ByteDance mua Musical.ly với giá khoảng một tỷ USD. Sau đó, họ hợp nhất ứng dụng vào TikTok, giúp TikTok nhanh chóng nổi tiếng ở phương Tây.

Tuy nhiên, sai lầm ở chỗ, ByteDance và Musical.ly đã không báo cáo thương vụ này cho Uỷ ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) – đơn vị chuyên điều tra các trường hợp thâu tóm doanh nghiệp Mỹ. Họ cũng đánh giá các thương vụ giữa doanh nghiệp nước ngoài, nhưng có hoạt động đáng kể tại Mỹ.

Do đó, CFIUS đã mở cuộc điều tra thương vụ này, khiến TikTok bất lợi. Các chính trị gia Washington thì bắt đầu lên tiếng rằng họ lo ngại TikTok có thể là công cụ giúp Trung Quốc can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ.

Với thách thức chồng chất, một số nhà đầu tư và cố vấn của Zhang đã đưa ra nhiều ý tưởng để tách biệt giữa TikTok và ByteDance. Trong đó có tổ chức lại cấu trúc công ty hoặc pháp lý của TikTok.

Trong một cuộc phỏng vấn tháng 11/2019, Alex Zhu – nhà sáng lập của Musical.ly, khi đó là người đứng đầu TikTok, cho biết công ty không loại trừ khả năng thay đổi như vậy. “Chúng tôi vẫn liên tục đánh giá cấu trúc công ty và tối ưu hóa nó”, ông nói.

Nhà sáng lập ByteDance, Zhang Yiming, chủ sở hữu TikTok. Ảnh: Reuters

Nhà sáng lập ByteDance, Zhang Yiming, chủ sở hữu TikTok. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, thay vì tái cấu trúc lớn, Zhang lại chọn thay đổi nhân sự. Đầu năm nay, ông cải tổ các giám đốc ByteDance tại Trung Quốc, cho biết sẽ dành nhiều thời gian và sức lực hơn cho châu Âu, Mỹ và các thị trường khác. Vào tháng 5, Liu Zhen – người giám sát việc mở rộng toàn cầu của ByteDance – rời công ty. Alex Zhu thì được thay bằng Kevin Mayer, một giám đốc kỳ cựu của Disney tại Mỹ.

ByteDance sau đó bắt tay vào vận động hành lang ở Washington. Trong các cuộc họp với các nhà lập pháp, các nhà vận động hành lang nhấn mạnh đến yếu tố nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu của TikTok là người Mỹ.

Tháng trước, các hãng công nghệ của Mỹ, gồm Facebook và Google, bắt đầu đánh giá lại hoạt động ở Hong Kong sau khi có luật an ninh mới. TikTok thậm chí còn đi xa hơn khi tuyên bố rằng sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn ở đây. Tuy nhiên, động thái này không có nhiều tác dụng. Giới quan sát cho rằng, Hong Kong không phải thị trường lớn của TikTok nên quyết định này giống một màn biểu diễn hơn là sự hy sinh.

Sự dò xét của chính quyền Trump cũng không vì thế mà giảm đi. Hồi tháng 6, trong cuộc vận động tái tranh cử của Trump ở Tulsa, người dùng TikTok tuyên bố đã chơi khăm bằng cách đăng ký vé và sau đó không tham dự sự kiện. Đến tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lập tức đưa ra ý tưởng cấm ứng dụng này vì liên quan đến vấn đề an ninh.

Vài tuần gần đây, CFIUS yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ. Dưới sức ép của Trump, TikTok đang phải đàm phán để bán lại mảng kinh doanh tại Mỹ và một vài thị trường cho Microsoft. Điều này cho thấy rào cản kỹ thuật số giữa Mỹ và Trung Quốc đang cao hơn bao giờ hết trong thời điểm hai nước đối đầu trên nhiều lĩnh vực.

Điểm khác biệt lần này là chính Mỹ chứ không phải Trung Quốc đang đưa ra các rào cản thâm nhập vào thị trường Internet. Ngay khi TikTok gây được tiếng vang trong giới trẻ Mỹ, nó đã bắt đầu được giới chính trị chú ý. Một nghi ngờ không bao giờ tiêu tan là TikTok, dù có bao nhiêu CEO không phải người Trung Quốc, thì cũng vẫn chịu áp lực thao túng dữ liệu người dùng và nội dung từ Bắc Kinh.

Sự ngờ vực này đã khiến nhiều công ty công nghệ Trung Quốc khác lao đao. Vì thế, bước ngoặt với TikTok sẽ khiến họ phải đánh giá lại tham vọng quốc tế.

Chibo Tang – chuyên gia tại quỹ đầu tư mạo hiểm Gobi Partners (Hong Kong), nói rằng lời khuyên của ông dành cho các hãng công nghệ Trung Quốc là tránh xa Mỹ khi mở rộng ra nước ngoài. Thay vào đó, họ nên đi theo các khoản đầu tư ngoại giao của chính phủ Trung Quốc ở những nơi như Đông Nam Á, Trung Đông và Châu Phi.

“Chắc chắn là nếu muốn ra thế giới và tiếp cận những thị trường khó, họ sẽ phải lường trước các hậu quả và chi phí”, ông Tang nói, “Trong tương lai, các doanh nhân công nghệ Trung Quốc nên biết điều đó”.

Cuối tuần trước, TikTok nói rằng “đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp và không thể tưởng tượng được”. Đó là môi trường địa chính trị căng thẳng, xung đột văn hóa và sự tấn công từ đối thủ cạnh tranh là Facebook.

Facebook đang tung ra một tính năng giống TikTok có tên Reels trên Instagram. Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg lập luận rằng việc làm suy yếu các công ty công nghệ Mỹ bằng những quy định quá mức có thể tạo điều kiện cho các đối thủ Trung Quốc “xuất khẩu các giá trị khác biệt của họ ra thế giới”. Facebook từ chối bình luận về tuyên bố của ByteDance.

Zhang là người đam mê công nghệ. Ông từng sửa chữa máy tính ở trường đại học. Trong các cuộc phỏng vấn trước đây, ông thường nói về các thuật toán và luồng thông tin. Suốt nhiều năm, Zhang khẳng định tương tự Zuckerberg rằng ông điều hành một công ty công nghệ, không phải là một cơ quan truyền thông. Điều đó có nghĩa là ông sẽ không áp đặt đánh giá của mình lên nội dung.

“Tôi không thể quyết định chính xác một cái gì đó là tốt hay xấu, hàn lâm hay ít học”, ông cho biết trên tạp chí kinh doanh Caijing năm 2016.

Zhang đã nghiên cứu bài học kinh nghiệm của một công ty Trung Quốc khác tăng trưởng nhanh ở nước ngoài là Huawei. Nhưng ông cũng không ngờ hết rằng chính quyền Trump trong nhiều năm đã tìm cách làm suy yếu Huawei, gọi công ty này là mối đe dọa an ninh quốc gia. Dù vậy, trong thư gửi nhân viên ByteDance hôm thứ hai (3/8), Zhang mô tả những bất ổn gần đây của TikTok là vấn đề kỹ thuật hơn là mối đe dọa địa chính trị.

Ông nói rằng công ty đã nhiều lần nhấn mạnh họ sẵn sàng thực hiện các thay đổi kỹ thuật để giải quyết lo ngại của Mỹ. Tuy nhiên, họ vẫn bị yêu cầu phải bán. “Chúng tôi không đồng ý với quyết định này, vì chúng tôi luôn bảo bảo mật dữ liệu người dùng và duy trì nền tảng trung lập, minh bạch”, ông nói.

Phiên An (theo NYT)

Nguồn bài viết

Bài trướcNhu cầu thương mại điện tử tăng vì Covid-19
Bài tiếp theoBáo hoa mai mò vào làng bắt chó nhà – Chuyện lạ