Để trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn của doanh nghiệp, thì việc thường xuyên phải có sự “nắn chỉnh“ phù hợp là cần thiết để thị trường này phát triển minh bạch và chuyên nghiệp.
Báo cáo cập nhật nhanh có tên “Tác động của kênh trái phiếu doanh nghiệp đến lãi suất tiền gửi” của Trung tâm phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, theo dữ liệu công bố của các doanh nghiệp và HNX, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành từ đầu năm đến tháng 6/2020 ước tính ở mức 159 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Con số tăng trưởng quy mô phát hành 6 tháng 2020 so với cùng kỳ có thể sẽ còn cao hơn do các thông tin phát hành vẫn đang được công bố. Tổng lượng TPDN lưu hành ước khoảng 783 nghìn tỷ đồng, tương đương 12,8% GDP lũy kế 12 tháng gần nhất. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng bình quân 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến tháng 6/2020.
Không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ trên thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp TPDN cũng sôi động hơn rất nhiều. Theo đó, lượng TPDN niêm yết trên HSX đã tăng từ 14,2 nghìn tỷ đồng (2017) lên gần 36 nghìn tỷ đồng (30/6/2020), tương ứng tỷ lệ tăng trưởng bình quân 45%/năm; thanh khoản thị trường đang cải thiện với giá trị giao dịch tăng trung bình 80%/năm từ 2017 đến nay nhưng hiện vẫn ở mức khá khiêm tốn, bình quân khoảng 3.200 tỷ/tháng.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường TPDN, TS. Nguyễn Trí Hiếu từng tỏ ra lo ngại khi cho rằng đa phần nhà đầu tư trên thị trường mua TPDN vì ham lãi suất cao, nhiều nhà đầu tư thậm chí không hề biết phân tích báo cáo tài chính, chưa từng nghe tên về doanh nghiệp phát hành, chỉ mua trái phiếu do tin tưởng khi ngân hàng là đơn vị phát hành.
Cùng chung quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cũng nêu rõ, các nước trên thế giới, xếp hạng tín nhiệm là một trong những điều kiện để doanh nghiệp phát hành trái phiếu và cũng là căn cứ để nhà đầu tư lựa chọn. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp phát hành cũng phải theo chuẩn quốc tế. Đây là yêu cầu để nhà đầu tư tham khảo, đưa ra quyết định. Tuy nhiên, những quy định này chưa bắt buộc ở Việt Nam.
Ở góc độ nhà quản lý, Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần phát đi cảnh báo các nhà đầu tư cá nhân thận trọng vì có khả năng không thu được tiền đầu tư vào TPDN (cả gốc và lãi), nếu doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Trong bối cảnh Coѵīd-19 vừa quay lại, các rủi ro mất tiền lại càng trở nên hiện hữu.
Thị trường TPDN trong thời gian qua được đánh giá đã từng bước hình thành kênh cung vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp, giảm bớt áp lực cho vay của các ngân hàng thương mại, hỗ trợ các ngân hàng thương mại huy động vốn trái phiếu để tăng vốn cấp 2, hỗ trợ doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực huy động vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, nếu không kiểm soát tốt việc phát hành TPDN sẽ có rủi ro, ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và cân đối vĩ mô. Bởi vậy, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, dù cảnh báo rủi ro và có nhiều vấn đּề phải nắn chỉnh nhưng vẫn cần phải khuyến khích thị trường này phát triển để đa dạng hóa thị trường vốn.
Nguồn vốn luôn là vấn đּề lớn đối với hoạt động của mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể chỉ trông đợi vào kênh vốn duy nhất là ngân hàng mà cần nhiều kênh huy động vốn khác. Do đó phải phát triển các kênh huy động vốn khác, trong đó có TPDN. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn thị trường này minh bạch và chuyên nghiệp cần phải thường xuyên có sự “nắn chỉnh” phù hợp.