Mục tiêu lợi nhuận giảm 10% của MB là thận trọng 

Năm nay MB đặt kế hoạch lãi giảm 10% do phải hạ lãi suất và lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với khách hàng ảnh hưởng Covid-19.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Ngân hàng Quân đội (MB) sáng 24/6, Tổng giám đốc Lưu Trung Thái cho biết, hết 5 tháng, doanh thu của riêng ngân hàng mẹ tăng 10% lên hơn 8.100 tỷ, lợi nhuận tăng 5% đạt 3.690 tỷ. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn thận trọng với kế hoạch lợi nhuận cả năm khi đặt mục tiêu lãi hợp nhất trước thuế giảm 10%, riêng ngân hàng mẹ giảm 12%.

Dù Covid-19 ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh nhưng cổ đông thắc mắc vì sao MB đặt mục tiêu lợi nhuận giảm tới 10% trong khi nhiều nhà băng có kế hoạch đi ngang hoặc tăng 10-15%. 

Tổng giám đốc MB chia sẻ, tốc độ tăng doanh thu và lợi nhuận trong 3 năm qua của ngân hàng ở mức bình quân 25-30%. Nhưng theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, các nhà băng cần giảm lãi suất và lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với khách hàng. Do đó, lãnh đạo ngân hàng mong cổ đông “có góc tiếp cận mới” trong năm nay để hỗ trợ khách hàng.

Lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng do chi phí xử lý nợ xấu tăng, nguồn thu từ lãi giảm. MB cũng thận trọng với mục tiêu lợi nhuận do tăng mạnh trích lập dự phòng. Tuy nhiên, theo ông Thái, khoản trích lập này “không mất đi mà được tích luỹ sang năm sau”. Bên cạnh đó, nếu tình hình nửa cuối năm thuận lợi, ngân hàng cũng phấn đấu lợi nhuận năm 2020 ngang với năm ngoái.

Tổng giám đốc Lưu Trung Thái phát biểu tại đại hội sáng nay. Ảnh: MB.

Tổng giám đốc Lưu Trung Thái phát biểu tại đại hội sáng nay. Ảnh: MB.

Về kế hoạch năm 2020, MB đang bỏ ngỏ mục tiêu huy động vốn, tăng trưởng tín dụng cả năm dự kiến 12% theo giới hạn của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu tối đa 1,9%.

Đại hội cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 18% so với cuối 2019, tương đương 27.988 tỷ đồng theo phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%. Bên cạnh đó, ngân hàng muốn chia 25,6 triệu cổ phiếu quỹ còn lại cho cổ đông hiện hữu trong quý IV đến hết quý I năm sau.

Tuy nhiên, cổ đông cho rằng mức tăng vốn 18% trong năm nay là quá thấp và đề nghị tính toán phương án khác để bổ sung vốn. Ông Lưu Trung Thái cho biết, việc tăng vốn hàng năm cần cân nhắc kỹ, cân đối với khả năng tăng trưởng của ngân hàng để đảm bảo ROE và kế hoạch trả cổ tức đều đặn. “Đảm bảo vốn nhưng cần tiết kiệm vốn”, ông nói.

Bên cạnh đó, cổ đông ý kiến rằng công ty tài chính Mcredit của MB tăng trưởng “nóng” trong 3 năm qua, tỷ lệ nợ xấu ở mức cao và đặt ra câu hỏi liệu công ty này có theo đuổi chiến lược tăng trưởng số lượng và đánh đổi chất lượng. 

Lãnh đạo của Mcredit cho biết, 3 năm qua, công ty trong giai đoạn kiện toàn mô hình phát triển và tăng quy mô để chiếm lĩnh thị phần, vào top 4 các công ty tài chính tiêu dùng. Điều này khiến Mcredit tăng trưởng “nóng” và có phần ảnh hưởng đến hoạt động chung của toàn ngân hàng.

Tuy nhiên, ngân hàng đã quyết định tái cơ cấu Mcredit thời gian tới để đây vẫn là trụ cột tạo ra lợi nhuận của MB. Công ty sẽ sử dụng các hệ thống chấm điểm tín dụng và thu hồi nợ mới để lựa chọn khách hàng, quản trị tốt hơn và giảm chi phí. Công ty cũng thay đổi mô hình cho vay, theo hướng tăng tỷ trọng vay trả góp từ 10-15% lên mức 45% và giảm cho vay bằng tiền mặt – vốn là tác nhân cao gây ra nợ xấu. 

Kết thúc 3 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu của MB là 1,62%, tăng mạnh so với mức 1,16% vào đầu năm. Nợ nhóm 2 của ngân hàng cũng tăng 65%. Tuy nhiên, MB là một trong số ít các ngân hàng chủ động tăng mạnh trích lập nợ xấu hơn 110% ngay từ quý I.

Theo SSI Research, tỷ lệ nợ xấu của MB có xu hướng tăng từ cuối 2017 khi ngân hàng tái cơ cấu các khoản vay cho khách hàng vừa và nhỏ (SME). SSI dự đoán, nợ xấu của nhóm SME được giải quyết phần lớn vào năm 2019 tuy nhiên do đại dịch nên MB có thể cần nhiều thời gian hơn để giải quyết vấn đề này.

Quỳnh Trang

Nguồn bài viết

Bài trướciPhone 12 sẽ có màn hình siêu nét
Bài tiếp theoCách nói 'tránh được cái gì'