Là người đầu tiên đưa giống gà đỏ về nuôi tại địa phương, chị Phan Thị Hường (trú tại xã An Khang, TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đã có thu nhập khá từ giống gà to khỏe, chắc nịch này.
Chị Hường cho biết, nuôi giống gà đỏ rất phù hợp với địa hình đất đồi, dốc tại địa phương. Gà đỏ có đặc điểm là đôi chân to, to khỏe. Ảnh: Minh Ngọc
Xem Video: clip: Anh Thắng chăm ruồi lính đen để nuôi đàn gà nghìn con
Từ hiệu quả kinh tế đem lại rõ rệt, xã An Khang đã lựa chọn giống gà đỏ là sản phẩm chủ lực của xã trong phát triển mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Gà đỏ cho thu nhập khá
Xã An Khang nằm ở phía Nam TP.Tuyên Quang, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 600ha, chiếm gần 50% diện tích đất tự nhiên. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó có nghề chăn nuôi gia cầm.
Hiện đàn gà đỏ của gia đình chị Hường có hơn 2.000 con. Gà đỏ của gia đình chị cung cấp cho các nhà hàng trong tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh lân cận. Năm 2019, trang trại nuôi gà đỏ của chị Hường đã xuất bán ra thị trường khoảng 12 tấn, trọng lượng trung bình 2,5kg/con với giá bán 100.000 đồng/kg.
“Sau hơn một năm triển khai, sản phẩm gà đỏ đã được thị trường đón nhận, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi tại địa phương” – ông Nguyễn Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND xã An Khang cho biết. Để đến thăm trang trại nuôi giống gà đỏ của chị Phan Thị Hường, phóng viên Báo NTNN phải vượt qua quả đồi nằm ở cuối thôn An Lộc A, rồi tiếp tục men theo con đường đất mới đến nơi. Chị Hường chia sẻ, ngày trước vợ chồng chị làm nghề đốt lò gạch, nhưng do ảnh hưởng đến môi trường nên chính quyền địa phương không cho phép hoạt động. Sau đó, tận dụng diện tích đất vườn, gia đình chị chuyển sang trồng cây ăn quả trên đất đồi, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, thu nhập bấp bênh.
Năm 2017, sau nhiều lần tìm tòi, đọc báo, tìm hiểu trên internet, chị Hường biết đến giống gà đỏ. Theo chị Hường, gọi là gà đỏ là vì đây là giống gà được nuôi theo phương thức thả rông, khi trưởng thành da gà sẽ dày, có màu đỏ thẫm, rất khỏe mạnh, ít bệnh tật nên giảm thiểu được chi phí đầu tư và công chăm sóc.
Với phương thức nuôi gối đàn nên gia đình chị Hường luôn có gà để bán. Mỗi năm trừ chi phí từ bán con giống và gà thịt, gia đình chị Hường có thu nhập 300 triệu đồng. Ảnh: M.N
Từ đầu năm 2020 đến nay, trang trại của chị Hường đã xuất bán 500 con gà đỏ; sau khi trừ chi phí, chị Hường lãi 30.000 – 40.000 đồng/con. “Trong tương lai, nếu duy trì được hiệu quả và thu nhập như hiện nay, gia đình tôi sẽ mở rộng đàn gà đỏ lên khoảng 5.000 con” – chị Hường cho biết.
Để tìm mua giống gà đỏ về nuôi thử, anh Nguyễn Hồng Thái (chồng chị Hường) đã lặn lội xuống tận huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Theo anh Thái, thời gian đầu khá vất vả để tìm được cơ sở bán giống gà đỏ chất lượng, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Bên cạnh đó, anh chị cũng cần học hỏi kỹ thuật chăn nuôi gà đỏ để đảm bảo đầu tư chắc ăn.
Với quyết tâm đưa giống gà đỏ, chân to về nuôi ở “miền sơn cước”, đầu tiên anh Thái đã mua thử 200 con gà ở huyện Duy Tiên về nuôi. Không phụ lòng người, ngay năm đầu tiên đưa giống gà đỏ vào nuôi thử, anh Thái và chị Hường đã thu được thành công không ngờ.
Chị Hường cho hay, giống gà đỏ rất phù hợp với phương thức nuôi thả rông, rất chắc thịt, khi trưởng thành da gà sẽ dày và có màu đỏ. Đặc biệt, khi ăn, da gà đỏ có độ giòn, mùi thơm đặc trưng, khác hẳn với những giống gà phổ biến hiện nay, người tiêu dùng và các thương lái rất ưa thích.
Với thành công bước đầu và từng bước có kinh nghiệm trong tay, cùng với số vốn tích lũy cũng như vay mượn thêm, chị Hường đã mở rộng diện tích chuồng trại, đầu tư hệ thống mái che, máng ăn, uống cho đàn gà. Với phương thức nuôi gối đàn nên tháng nào trang trại của chị Hường cũng có gà đỏ để xuất bán.
Theo chị Hường, do giống gà đỏ có đặc tính khác biệt về chất lượng thịt nên giá thành của gà đỏ luôn được giữ ở mức ổn định. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, cũng như dịch Coѵīd-19 nhưng giá gà đỏ bán ra thị trường không bị ảnh hưởng nhiều. Hiện giá gà đỏ vẫn giữ ở mức 100.000 đồng/kg.
Thời điểm này, đàn gà đỏ của gia đình chị Hường đã có trên 2.000 con. Chị Hường thường xuyên cung cấp gà cho các nhà hàng trong tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh lân cận. Hàng năm, ước tính gia đình chị thu nhập từ bán giống gà đỏ và gà đỏ thịt trên 300 triệu đồng.
Mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu
Gia đình anh Nguyễn Văn Thành (ở thôn Trường Thi B, xã An Khang, TP.Tuyên Quang) cũng tham gia nuôi gà đỏ. Anh Thành cho biết, sau khi được tham quan trang trại gà đỏ của gia đình chị Hường, anh quyết định đầu tư chuồng trại, mua con giống để chuyển hướng sang nuôi gà đỏ.
Hiện gia đình anh Thành nuôi trên 1.000 con gà, trong đó có 800 con gà đẻ trứng và gần 200 con gà đỏ, cho thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/năm.
Theo anh Thành, nhờ những thuận lợi về điều kiện khí hậu, với hình thức chăn thả bán công nghiệp, không chỉ gà đỏ mà các giống gà khác của gia đình nuôi cũng đều cho chất lượng thịt rất cao. Con gà đỏ có khả năng sinh trưởng rất ổn định, giống khỏe, được thị trường đón nhận.
Từ những thành công có được, thương hiệu gà đỏ của xã An Khang đã tạo dựng được chỗ đứng nhất định trên thị trường trong và ngoài tỉnh Tuyên Quang.
Theo ông Nguyễn Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND xã An Khang cho biết, để phát triển thương hiệu gà đỏ, cũng như được thị trường đón nhận, UBND xã An Khang đã lựa chọn chăn nuôi giống gà đỏ là sản phẩm chủ lực của xã trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
“Với sản phẩm gà đỏ đang trong quá trình phát triển nên cách thức chăn nuôi vẫn chỉ ở quy mô gia trại. Xã đã tổ chức đưa nông dân đi tham quan, tìm hiểu các mô hình nuôi gà cho hiệu quả kinh tế cao để học tập, ứng dụng phát triển đàn gà của địa phương” – ông Minh nói.
Ông Minh cũng cho biết thêm, thời gian vừa qua xã An Khang đã tuyên truyền, vận động bà con chuyển sang nuôi gà sạch, hỗ trợ bà con mở rộng các mô hình, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn gà, đặc biệt là sản phẩm gà đỏ để sớm thành một nhãn hiệu OCOP.