Cục thuế Hà Nội xác định có 1.100 cá nhân trên địa bàn kinh doanh phần mềm, xây dựng trò chơi trên mạng với tổng doanh thu trong 3 năm qua lên tới 4.800 tỉ đồng, trong đó có một cá nhân có thu nhập lên tới 140 tỉ đồng.
Một cá nhân làm clip chế biến thực phẩm phát trên YouTube có thu nhập cao, theo quy định phải nộp thuế – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Xem Video: Bán hàng trên FB phải nộp thuế? Tại sao vậy?
XEM VIDEO CLIP: -sCAn182M50
Trao đổi với Báo Online chiều 20-6, ông Viên Viết Hùng, phó cục trưởng Cục thuế Hà Nội, cho biết từ năm 2017, Cục thuế TP Hà Nội đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích người nộp thuế có phát sinh doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử tự giác đăng ký, kê khai và nộp thuế theo quy định.
Qua rà soát, riêng hoạt động kinh doanh phần mềm, xây dựng cung cấp các trò chơi trên mạng, Cục thuế Hà Nội xác định có hơn 1.100 cá nhân trên địa bàn tham gia với tổng doanh thu trong 3 năm (2017-2019) lên tới 4.800 tỉ đồng, trong đó riêng một người có thu nhập lên tới 140 tỉ đồng từ các nhà mạng.
Trong năm 2019, Cục thuế Hà Nội đã xử lý trên 30 trường hợp không nộp thuế với tổng số tiền truy thu 18 tỉ đồng.
Ông Hùng cho rằng thương mại điện tử là hoạt động kinh doanh nhận được sự quan tâm lớn của các ngành, các cấp trong giai đoạn hiện nay.
Với nền tảng là công nghệ thông tin, hoạt động trên không gian mạng, các giao dịch diễn ra không phụ thuộc vào vị trí, khoảng cách địa lý, vì vậy hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có sự phát triển rất nhanh và mạnh.
Chính vì vậy, về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh này, Cục thuế Hà Nội đã phối hợp với các ngân hàng để rà soát các tài khoản chuyển tiền của các đơn vị nhà thầu nước ngoài Google, Apple, Booking, Agoda, từ đó tra soát các tổ chức, cá nhân nhận tiền tại Việt Nam.
Ngoài ra, Cục thuế Hà Nội còn phối hợp với các đơn vị sàn thương mại điện tử, các tổ chức trung gian vận chuyển để rà soát các shop bán hàng trực tuyến để phân loại đối tượng quản lý.
Về chính sách thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, theo ông Hùng, thông tư 92 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định rõ các cá nhân có thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ 100 triệu đồng một năm trở lên phải nộp thuế.
Cụ thể, các cá nhân có thu nhập từ các trang mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube thuộc diện cá nhân kinh doanh và phải khai nộp thuế theo tỉ lệ 5% giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.
Trường hợp không kê khai và nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Chế tài xử lý là người nộp thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế.
“Trước mắt, Cục thuế Hà Nội vừa có buổi tuyên truyền, hỗ trợ về chính sách như nội dung đăng ký, kê khai và nộp thuế cho 200 cá nhân trên địa bàn có phát sinh doanh thu từ hoạt động thương mại điện tử.
Tinh thần là cơ quan thuế mong người nộp thuế chủ động, tự giác kê khai và nộp thuế theo đúng quy định. Hạn kê khai và nộp thuế là trong vòng 30 ngày, từ nay đến cuối tháng 7.
Trường hợp cá nhân nào cố tình không kê khai và nộp thuế thì cơ quan thuế Hà Nội sẽ có những biện pháp cưỡng chế để truy thu thuế phải nộp qua ngân hàng theo đúng quy định” – ông Hùng thông tin.