Doanh nghiệp hỗ trợ là các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng, sản phẩm trung gian… đóng vai trò là đầu vào và lắp ráp chúng để trở thành sản phẩm cuối cùng. Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam cải thiện chất lượng kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; đồng thời tăng khả năng thu hút đầu tư…
Thực trạng doanh nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Nghị quyết 115 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ mới công bố chỉ rõ mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo đó, thời gian qua các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ đã phần nào đáp ứng nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn bộc lộ những tồn tại trong việc tổ chức chính sách ưu đãi, hỗ trợ; sản phẩm còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ… Các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật; thiếu nguồn lực để đổi mới… Thực trạng này đòi hỏi các doanh nghiệp hỗ trợ phải có chiến lược thay đổi sáng tạo.
Trong chuỗi chiến lược này, việc xây dựng một hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp hỗ trợ
Nhà máy thông minh là giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho phép các doanh nghiệp thu thập dữ liệu trong quá trình sản xuất theo thời gian thực, số hóa hệ thống quản trị cũng như tự động hóa các quy trình vận hành. Mô hình này dựa trên những công nghệ tiên tiến như IoT, Big Data, AI.
Sở hữu nhà máy thông minh giúp doanh nghiệp không chỉ quản trị thông tin một cách đồng bộ từ cấp cao nhất tới các thành phần của nhà máy (máy móc, thiết bị, nhân công lao động), mà còn cho phép nhà quản lý can thiệp, điều chỉnh trực tiếp các thành tố trực tiếp thực hiện sản xuất.
Đối với các doanh nghiệp hỗ trợ, mô hình nhà máy thông minh tác động trực tiếp tới ba yếu tố: chất lượng, chi phí, tiến độ giao hàng.
Cụ thể, mô hình nhà máy thông minh sẽ theo dõi và ghi nhận dữ liệu về chất lượng sản phẩm, cung cấp tác vụ quản trị tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Từ đó, hệ thống có thể đề xuất các giải pháp đảm bảo và cải tiến chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, hệ thống còn tính toán chi phí thực tế (Actual cost) dựa trên số liệu đo đạc các dữ liệu về chi phí nhân công, nguyên vật liệu và thời gian làm việc; từ đó giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí và giảm giá thành. Nhà máy thông minh còn có khả năng cân đối năng lực của các bộ phận để lên kế hoạch nguyên vật liệu và kế hoạch sản xuất phù hợp với thời hạn giao hàng. Điều này giúp nhà sản xuất chủ động định hướng việc nhận đơn hàng và giảm thiểu tình trạng trễ đơn.
Hoạt động trong lĩnh vực chế tạo khuôn mẫu và sản xuất linh kiện nhựa, Công ty Cổ phần HTMP là đối tác của nhiều tập đoàn đa quốc gia như Toyota, Yamaha, Sony, Canon… mới đây là Amazon. Việc trở thành nhà cung ứng của các ông lớn trên thị trường quốc tế là đòn bẩy thúc đẩy ban lãnh đạo doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý sản xuất với mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất.
Vừa qua, HTMP bắt tay với đơn vị tư vấn chiến lược QUNIE CORPORATION (Nhật Bản) và nhà cung cấp phần mềm quản trị doanh nghiệp – Công ty Cổ phần Giải pháp ERP – ITG triển khai dự án Nhà máy thông minh 3S iFACTORY. Đây là một trong những dự án tiên phong về xây dựng nhà máy thông minh kiểu mẫu tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung.
3S iFACTORY do ITG phát triển là mô hình nhà máy thông minh “Made in Vietnam”, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và được điều chỉnh phù hợp với đặc thù các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Việc triển khai 3S iFACTORY được kỳ vọng sẽ tối ưu hóa hoạt động sản xuất và chất lượng sản phẩm theo thời gian thực, giảm hao phí nhân công vào các công việc nhập liệu, kiểm đếm. Ngoài ra, hệ thống còn cho phép quản lý máy móc, thiết bị tự động và có khả năng phân tích dự báo các sự cố có thể xảy ra, giúp nhà quản trị có thể ra quyết định nhanh chóng trước những biến động của thị trường.
(Nguồn: Công ty Cổ phần Giải pháp ERP-ITG)