Mexico thành điểm đến cho các công ty muốn rời Trung Quốc

Hai công ty sản xuất thiết bị điện tử Foxconn và Pegatron của Đài Loan đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới ở Mexico.

Dự án nếu thành hiện thực sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latin có thêm hàng tỷ USD đầu tư mới. Đây sẽ là cơ hội vàng cho Mexico vốn đang ở trong thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng 1930.

Biển chỉ dẫn tới khu phức hợp sản xuất của Foxconn PCE Technology tại thành phố Ciudad Juarez, Mexico. Ảnh: Reuters.

Biển chỉ dẫn tới khu phức hợp sản xuất của Foxconn PCE Technology tại thành phố Ciudad Juarez, Mexico. Ảnh: Reuters.

Foxconn và Pegatron là nhà thầu sản xuất cho nhiều hãng điện thoại, trong đó có Apple. Foxconn nhiều khả năng sẽ sử dụng nhà máy ở Mexico để sản xuất iPhone. Tuy nhiên, công ty chưa xác nhận. Trong khi đó, theo một số nguồn tin, Pegatron đang đàm phán với các ngân hàng về vốn vay cho dự án nhà máy sản xuất chip và các linh kiện điện tử tại Mexico.

Foxconn hiện có 5 nhà máy sản xuất tivi và máy chủ ở Mexico. Sharp, công ty Nhật Bản đã bị Foxconn thâu tóm năm 2016, đang chịu trách nhiệm sản xuất tivi ở đây. Nếu hãng này quyết định chuyển thêm nhà máy lắp ráp điện thoại sang đây, sự kiện sẽ càng thể hiện rõ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và khủng hoảng Covid-19.

Công nhân nhà máy Pegatron tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: WSJ.

Công nhân nhà máy Pegatron tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: WSJ.

Kế hoạch này cũng phù hợp với chủ trương mang hoạt động sản xuất về “quê nhà” của Washington. Chính quyền Tổng thống Trump đang nghiên cứu mở rộng những ưu đãi tài chính nhằm khuyến khích các công ty chuyển nhà máy sản xuất từ châu Á sang Mỹ, Mỹ Latin và Caribbean.

Ngoài việc có hiệp định thương mại tự do với Mỹ, Mexico còn có nhiều điểm thuận lợi về địa lý, mức lương thấp và múi giờ phù hợp. Bất chấp suy thoái kinh tế và lo ngại về môi trường kinh doanh, dữ liệu của chính phủ Mexico vẫn cho thấy các khoản đầu tư nước ngoài vào nước này tăng trong năm nay.

Một nguồn tin khác cũng xác nhận thông tin về động thái thúc đẩy đầu tư của Foxconn ở Mexico. Tuy nhiên, việc đàm phán vẫn ở giai đoạn đầu và tình hình dịch bệnh phức tại Mexico vẫn là mối lo ngại với Foxconn.

Hôm 12/8, tại một hội nghị đầu tư diễn ra ở Đài Bắc, Chủ tịch Foxconn, Liu Young-way, phát biểu rằng thế giới đang bị chia thành hai nhóm vì căng thẳng Mỹ – Trung và công ty của ông sẽ “cung cấp hai chuỗi cung ứng để phục vụ cả hai thị trường”. “Công xưởng thế giới không còn tồn tại nữa”, ông khẳng định và bổ sung rằng hiện khoảng 30% sản phẩm của Foxconn được làm ở bên ngoài Trung Quốc. Con số này còn tiếp tục tăng.

Một quan chức chính phủ Mexico cho biết: “Foxconn và Pegatron đang muốn chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Mexico. Mexico là một trong những quốc gia lý tưởng để thiết lập lại chuỗi cung ứng”. Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Mexico cho biết Foxconn quan tâm đến việc xây thêm nhà máy ở Ciudad Juarez, bang Chihuahua, nằm gần biên giới với Mỹ.

Tuy nhiên, quy mô đầu tư và số việc làm mà các hãng sẽ tạo ra ở Mexico vẫn chưa rõ ràng. Những hứa hẹn đầu tư vào cơ sở sản xuất mới không phải lúc nào cũng thành hiện thực.

Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Foxconn sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 10 tỷ USD sử dụng 13.000 lao động Mỹ để sản xuất màn hình LCD ở bang Wisconsin. Nhưng cuối cùng kế hoạch đó đã thay đổi, năm 2019, Foxconn đã hạ quy mô nhà máy và chỉ sản xuất máy thông gió tại đây với sự hợp tác của Medtronic.

Luxshare, công ty sản xuất chính cho dòng tai nghe AirPods của Apple, cũng đang xem xét xây dựng một cơ sở ở Mexico trong năm nay để tránh bị áp thuế quan gây ra bởi cuộc chiến Mỹ – Trung. Hiện chưa rõ dây chuyền sản xuất nào được Luxshare cân nhắc sản xuất tại đây.

Dù tiềm năng rất lớn và các con số cũng thể hiện rõ ràng làn sóng đầu tư mới, nhiều người cho rằng Tổng thống Mexico, Lopez Obrador, đang bỏ lỡ cơ hội lịch sử. Hiện Mexico có số ca tử vong vì Covid-19 cao thứ ba thế giới do không xử lý dịch bệnh kịp thời. Thêm vào đó, tổng thống Obrador đôi lúc can thiệp quá mức vào các quyết định đầu tư của khu vực tư nhân, ví dụ, hủy khoản đầu tư một tỷ USD của một công ty Mỹ hay xóa hoàn toàn dự án xây sân bay mới và gây nhiều áp lực cho các công ty năng lượng.

Tuy nhiên trên thực tế, không còn nhiều lựa chọn tốt hơn Mexico. Alan Russell, Giám đốc điều hành và Chủ tịch của Tecma Group, một công ty quản lý các nhà máy ở Mexico, cho biết: “Các nhà sản xuất ở Trung Quốc nếu muốn giữ thị phần ở Bắc Mỹ không có cách nào khác ngoài rút ngắn chuỗi cung ứng của mình và xây dựng nhà máy trong khu vực châu Mỹ”.

Đăng Thiên (theo Reuters)

Nguồn bài viết

Bài trướcCặp phu thê vì mê cà dại mà cất bằng cao đẳng về quê nghịch đất…ra hàng trăm triệu
Bài tiếp theoCalifornia Fitness & Yoga truyền cảm hứng sống khỏe