Masan Resources đổi tên – VnExpress Kinh doanh

Masan Resources đổi tên thành Masan High-Tech Materials để thực hiện kế hoạch thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao.

Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources) vừa thông qua việc đổi tên thành Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials tại phiên họp thường niên chiều 29/6.

Ông Danny Le – Chủ tịch HĐQT công ty cho biết việc đổi tên được thực hiện sau khi hoàn tất giao dịch mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck (Đức) vào giữa tháng 6.

Thương vụ này trị giá 41 triệu euro, mang lại cho Masan High-Tech Materials các trung tâm sản xuất tiên tiến ở từng khu vực thị trường trọng yếu như EU, Bắc Mỹ, châu Á – Thái Bình Dương. Công ty cũng trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường trong nhiều phân khúc như dụng cụ khai thác dầu khí, dụng cụ cắt và bộ phận chống mài mòn…

“Việc sáp nhập nhà chế tạo các sản phẩm vonfram công nghệ cao “midstream” (giai đoạn giữa của chuỗi giá trị) giúp công ty tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD”, ông Danny Le nói.

Ông Danny Le phát biểu tại phiên họp thường niên chiều 29/6. Ảnh: MSR.

Ông Danny Le phát biểu tại phiên họp thường niên chiều 29/6. Ảnh: MSR.

Sau một năm ghi nhận biến động mạnh, ban lãnh đạo công ty đánh giá thương vụ này sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho năm nay. Năm ngoái, giá trung bình của các loại kim loại như vonfram, bismut, florit, đồng năm ngoái giảm mạnh, cộng thêm nhu cầu tiêu thụ tinh quặng đồng trong nước cũng hạn chế nhưng công ty thu hơn 4.700 tỷ đồng.

Ông Craig Richard Bradshaw – Tổng giám đốc Masan High-Tech Materials cho rằng, khi hợp nhất kết quả kinh doanh mảng vonfram từ H.C. Starck, doanh thu năm nay sẽ tăng thêm ít nhất là gấp đôi.

Công ty dự báo thị trường vật liệu công nghệ cao sẽ phục hồi hình chữ V trong nửa cuối năm, nhờ đó doanh thu thuần ở mức thấp có thể đạt 8.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông 200 tỷ đồng. Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận có thể lên 9.000 tỷ đồng và 500 tỷ đồng nếu thị trường khởi sắc hơn.

“Chúng tôi rất tự tin với con số 8.000 tỷ đồng”, ông Craig nói.

Chiến tranh thương mại và dịch bệnh gây gián đoạn chuỗi cung ứng truyền thống, buộc các nhà sản xuất công nghiệp hướng đến chiến lược “Trung Quốc + 1” nhằm giảm thiểu rủi ro về nguồn cung các vật liệu quan trọng được xem là ưu thế lớn cho công ty. Ban lãnh đạo công ty kỳ vọng trong năm tới, khi nhu cầu tiêu thụ bình ổn trở lại sau đại dịch, doanh thu có thể đạt 600 triệu USD và lợi nhuận nhảy vọt lên 100 triệu USD.

Phương Đông

Nguồn bài viết

Bài trướcSau ồn ào ghi nhầm, lại xuất hiện hoá đơn điện nhiều tháng liền giống nhau
Bài tiếp theoTin tức giáo dục đặc biệt trên báo in ngày mai 30.6.2020 | Giáo dục