Lớp học trong rừng – VnExpress

Ấn ĐộTại thung lũng Kashmir, vì không thể học online, các trường tổ chức lớp học trong rừng nhưng luôn phải để phòng thú dữ, đường đi tiềm ẩn nguy hiểm.

Cô bé Asmat Jan 15 tuổi đang tập hát ngoài bãi cỏ, trước những ngọn núi đồ sộ của thung lũng Kashmir. Phía trước là khoảng 50 học sinh đang ngồi thẳng hàng, với một vài người lớn đứng xung quanh.

Học sinh trong các lớp học ngoài trời ở Doodpathri, thung lũng Kashmir, Ấn Độ. Ảnh: Furkan Latif Khan/The Guardian

Học sinh trong các lớp học ngoài trời ở Doodpathri, thung lũng Kashmir, Ấn Độ. Ảnh: Furkan Latif Khan/The Guardian

Ở thung lũng Kashmir thuộc quản lý của Ấn Độ, trường học đã tổ chức lớp học ngoài trời để đối phó với Covid-19. Khu vực này, do bị tranh chấp chính trị giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan, đã hai lần đóng cửa trường học, đợt một 8/2019-2/2020 do các tranh chấp chính trị, đợt hai từ 4/2020 đến nay do Covid-19.

“Chúng em đã khóc khi trường học đóng cửa và nghĩ rằng sẽ không bao giờ thay đổi được số phận khốn khổ của mình, thậm chí quên mất mình còn là học sinh”, Asmat nói.

Asmat sinh ra trong gia đình du mục và không thành viên nào được hưởng giáo dục một cách trọn vẹn. Trong suốt năm vừa qua, Asmat phải tự học với sự trợ giúp của anh trai, người đã học đến cấp 2 trước khi đi làm lao động chân tay. Trong khi nhiều trẻ em ở Ấn Độ được nhận giáo dục trực tuyến trong thời kỳ đại dịch, Asmat không có điện thoại hay máy tính để theo học trên mạng.

“Những trẻ em này đến từ các gia đình nghèo. Việc sở hữu điện thoại thông minh giá từ 10.000 đến 15.000 rupee (3,2-4,7 triệu đồng) là xa xỉ với họ”, ông Mushtag Ahmed Mir, viên chức giáo dục địa phương, nói.

Công việc chính của ông Mir là khảo sát khoảng 7.500 học sinh trong khu vực và cố gắng cung cấp những gì các em cần để đến trường. Ông thường cố dành thời gian hỏi tại sao học sinh không đi học. “Trước đại dịch, ở đây bị cách ly xã hội do yếu tố chính trị, và mọi người không thể ra khỏi nhà. Kể cả khi đó, chúng tôi vẫn cố đến hỗ trợ học sinh. Chúng tôi lo rằng nếu không hành động ngay, học sinh sẽ bỏ học”, ông Mir nói.

Sự lo lắng này là có cơ sở, với số liệu trong quá khứ chỉ ra rằng mỗi khi giáo dục bị ngưng trệ, tỷ lệ học sinh bỏ học lại tăng cao, với mỗi năm có một vài tháng bị cách ly xã hội ở Kashmir.

Giờ đây, các lớp học cộng đồng diễn ra ngoài cánh đồng, trong vườn cây ăn quả, và trong những cánh rừng thông, với khẩu trang và nước rửa tay được cung cấp bởi giáo viên. Học sinh được bố trí giãn cách theo quy định.

Giáo viên ở Kashmir lo rằng cách ly xã hội liên tục do các yếu tố khác nhau sẽ khiến học sinh bỏ học. Ảnh: Furkan Latif Khan/The Guardian

Giáo viên ở Kashmir lo rằng cách ly xã hội liên tục sẽ khiến học sinh bỏ học. Ảnh: Furkan Latif Khan/The Guardian

Tuy nhiên, việc đi học như vậy cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ông Mohammad Ramzan Wani, viên chức giáo dục, nói: “Ở trong rừng, chúng tôi phải đề phòng động vật hoang dã tấn công. Đường đến lớp học cũng không hề an toàn khi học sinh phải vượt sông bằng cầu gỗ, đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa”.

Mỗi ngày, ông Wani phải gọi điện cho phụ huynh kiểm tra học sinh đã về nhà an toàn chưa. Các giáo viên địa phương đều xung phong và tự nguyện giảng dạy dù không phải là nhiệm vụ từ chính phủ.

Mohd Yusuf Tantray là một giáo viên như vậy. Mỗi ngày, anh dạy hơn 100 học sinh với sự trợ giúp của một đồng nghiệp. Với hai lớp học, mỗi lớp phải luân phiên dạy các môn cho học sinh.

Các trường công đã thiếu ngân quỹ và thường chật vật để cung cấp giáo dục chất lượng cho học sinh. “Những học sinh này đều từ khu vực xung quanh khu tôi sống. Các em như thể con đẻ của tôi vậy. Tôi từng thấy các em chạy vui chơi mỗi ngày, và chỉ sau một năm cách ly xã hội, các em đã trở nên uể oải, chậm chạp đi nhiều”, thầy Tantray nói.

“Ở đợt đầu cách ly do chính trị, chúng tôi đã tê liệt vì mọi thứ đều đóng cửa, thậm chí Internet còn dừng hoạt động. Chúng tôi dần quyết định dạy học sinh ở nhà, nhưng phải dừng lại vì đại dịch”, thầy nói.

Chính phủ Ấn Độ đang cố gắng cung cấp các lớp học qua truyền hình và radio, tuy nhiên thường tập trung tới học sinh lớn hơn. Các cổng giáo dục trực tuyến cũng đang được chuẩn bị, tuy nhiên việc học tập trực tuyến phụ thuộc rất nhiều vào Internet trong khu vực, điều không thể ở thung lũng Kashmir.

Mạng điện thoại và Internet đã bị dừng dịch vụ từ năm ngoái. Hiện trong khu vực đã có mạng 2G. Tuy nhiên, nhiều học sinh vẫn không có điện thoại để học.

Mudasir Qadir, học sinh 16 tuổi, có điện thoại và đang nỗ lực kết nối vào lớp học trực tuyến. “Chúng em cố tham gia lớp học, nhưng mạng Internet chẳng bao giờ chạy nổi cả”, em nói.

Asgar Samoon, quản lý Phòng giáo dục ở Thung lũng Jammu và Kashmir, hy vọng hệ thống chính trị ổn định và Internet không còn xa vời với học sinh.

Phan Nghĩa (Theo The Guardian)

Nguồn bài viết

Bài trướcNhiều người dùng còn lơ là việc bảo mật mạng | Công nghệ
Bài tiếp theoKinh ngạc với nội dung bài ‘xã luận’ được viết hoàn toàn bằng robot | Công nghệ