Lập tổ công tác đặc biệt đón ‘sóng’ FDI sau Covid-19

Thủ tướng quyết định lập Tổ công tác đặc biệt cùng với đề án thu hút FDI, đón làn sóng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sau đại dịch. 

Chiều 22/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với thách thức toàn cầu do Covid-19 gây ra. 

Nhắc lại thành công bước đầu của Việt Nam trong chống Covid-19, nhưng Thủ tướng nhìn nhận, song song đó phải lo phát triển đất nước thì “mới đạt thắng lợi kép”. “Nếu Việt Nam không đầu tư phát triển, kể cả đầu tư trong nước và nước ngoài thì không bao giờ thành công”, ông nói. 

Đề cập tới làn sóng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần tranh thủ luồng đầu tư này, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi cung ứng. Nhưng cách làm, cách thu hút dòng vốn đầu tư trong tình hình mới cũng cần “dịch chuyển, thích ứng”, chứ không thể “cứ bình bình, cách làm cũ, trì trệ, không đổi mới”. 

“Chúng ta phải nghĩ xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả 2 phía”, Thủ tướng nói. Các nước đang cạnh tranh quyết liệt, Việt Nam phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh. Thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.

Với những yêu cầu này, có ý kiến đề xuất lập Tổ công tác đặc biệt về thu hút vốn đầu tư, đón sóng dịch chuyển đầu tư sau đại dịch. Tại cuộc họp, Thủ tướng đã đồng ý. Song song đó, ông yêu cầu xây dựng ngay đề án thu hút dòng vốn dịch chuyển, trong đó phải giải quyết các điểm nghẽn của nhà đầu tư như vấn đề mặt bằng, nguồn nhân lực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp bàn giải pháp đón sóng đầu tư sau Covid-19. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp bàn giải pháp đón sóng đầu tư sau Covid-19. Ảnh: VGP

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất. Thực tế, thời gian qua các nhà đầu tư lớn đã liên tiếp đầu tư mở rộng và triển khai các dự án mới. Việt Nam có nhiều cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của các công ty đa quốc gia, là điểm đến tiềm năng trong chính sách đa dạng hóa nguồn cung ứng. Do đó, cần lựa chọn các dự án dịch chuyển thuộc các ngành có công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, năng lượng sạch.

Bốn lĩnh vực mà các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển vào, là công nghệ thông tin và công nghệ cao, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Theo ý kiến chuyên gia, họ mong muốn chính sách phải nhất quán, ổn định, lãnh đạo các cấp thực hiện đúng cam kết và ra các quyết định, quyết sách nhanh chóng hơn. Ngoài ra, họ cũng mong muốn các địa phương sẵn sàng có mặt bằng sạch bàn giao ngay khi có yêu cầu, nhất là các khu công nghiệp. “Điều quan trọng là môi trường đầu tư của chúng ta thế nào và nguồn nhân lực ra sao”, các chuyên gia góp ý.

Anh Minh

Nguồn bài viết

Bài trướcThêm 4 công ty tham gia Liên minh truyền dẫn P2P | Công nghệ
Bài tiếp theoTrường ĐH nào xét kết quả thi THPT quốc gia các năm trước? | Giáo dục