Lãnh đạo SHB giảm lương đến hết năm vì Covid-19

Thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và ban giám đốc SHB giảm 50% lương trong tháng 5 và giảm 30% đến cuối năm để tiết giảm chi phí.

Cách ngân hàng đối phó với Covid-19, sự việc của Cocobay hay tiến độ việc bán công ty tài chính tiêu dùng là những chủ đề được các cổ đông Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHS) quan tâm trong phiên họp thường niên tổ chức chiều 15/6.

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB cho biết, diễn biến phức tạp của đại dịch khiến ngân hàng này phải xây dựng các kế hoạch thận trọng hơn, điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận, đưa ra các biện pháp tiết giảm chi phí. Theo đó, thành viên Hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban giám đốc của SHB đã giảm 50% lương trong tháng 5 và giảm tiếp 30% từ nay đến cuối năm. Với các bộ phận khác, mức giảm phổ biến 10-25% tùy từng vị trí và bậc lương.

Ông Nguyễn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết kế hoạch lãi trước thuế năm nay dự kiến là 3.268 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước. Tuy nhiên, con số này giảm gần 25% so với mục tiêu đưa ra từ đầu năm là 4.350 tỷ đồng.

Cổ đông đặt câu hỏi tại phiên họp thường niên năm 2020 của SHB. Ảnh: SHB.

Cổ đông đặt câu hỏi tại phiên họp thường niên năm 2020 của SHB. Ảnh: SHB.

Sự không chắc chắn về diễn biến của đại dịch cũng là lý do SHB bỏ ngỏ mục tiêu cổ tức năm 2020. “Không phải chúng tôi quên mục tiêu cổ tức mà đúng hơn là ban lãnh đạo đang cân nhắc. Ngân hàng chủ trương giải quyết sớm dứt điểm trái phiếu VAMC không để kéo dài. Đồng thời ngân hàng cũng tập trung chuẩn bị những phương án tốt nhất về kinh doanh”, ông Hiển nói và mong cổ đông thông cảm về quyết định chưa đưa ra phương án cổ tức năm nay.

Liên quan đến câu hỏi của cổ đông về việc bảo lãnh cho dự án Cocobay, ông Hiển cho biết SHB có thể xem là ngân hàng tài trợ vốn cho dự án. Người đứng đầu SHB đánh giá Cocobay là dự án “đắc địa, văn bản pháp lý rõ ràng và chủ đầu tư là người xây thực, làm thực”. 

Tuy nhiên, về hoạt động giao dịch giữa chủ đầu tư và khách hàng, SHB không có quyền can thiệp. Khi chủ đầu tư bán hàng, việc chủ đầu tư và khách hàng thoả thuận về lợi nhuận là việc của hai bên, SHB không can thiệp vào quyết định của chủ đầu tư và quyết định của người mua. Với vai trò của một ngân hàng, SHB chỉ bảo lãnh tiến độ bàn giao nhà. Theo như báo cáo của phía Thành Đô, hiện việc đàm phán giữa chủ đầu tư và khách hàng về cơ bản đã được thống nhất.

“Dù là cổ đông ngân hàng hay khách hàng của Thành Đô, mọi người có thể yên tâm về vấn đề rủi ro, không lo mất vốn, có thể kê cao gối để ngủ”, Chủ tịch SHB nói.

Đối với công ty tài chính tiêu dùng, quan điểm của ngân hàng này là cố gắng đàm phán mức giá tốt nhất có thể, còn tỷ lệ bán tối đa sẽ phụ thuộc vào quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ông Hiển cho biết hiện đã có một số nhà đầu tư tìm hiểu. Tuy nhiên, SHB cũng xác định đối tác chiến lược phải có sự đóng góp cho hoạt động chung, có lĩnh vực kinh doanh phù hợp với ngân hàng.

Với các chỉ tiêu khác, SHB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tương đương năm ngoái – ở mức 15% và nằm trong top 3 ngân hàng tư nhân có thị phần cấp tín dụng lớn nhất, huy động vốn từ dân cư dự kiến tăng trưởng 16%.

Trong năm nay, ngân hàng dự kiến thu hồi nợ xấu hơn 6.000 tỷ đồng (gồm cả thu giữ tài sản), mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC, tỷ lệ nợ xấu mục tiêu dưới 3%.

Bên cạnh đó, lãnh đạo SHB đã trình và được thông qua phương án uỷ quyền cho Hội đồng quản trị chủ động đăng ký niêm yết cổ phiếu từ HNX sang HoSE, theo chủ trương tái cấu trúc thị trường chứng khoán.

Minh Sơn

Nguồn bài viết

Bài trướcMasan muốn sở hữu 100% công ty có giá cổ phiếu cao nhất Việt Nam
Bài tiếp theoVN-Index “bốc hơi” hơn 31 điểm phiên đầu tuần