Làn sóng rao bán nhà mặt phố tăng cao sau dịch Coѵīd-19 khiến giá nhà mặt phố, nhà lẻ tại nội thành Sài Gòn có xu hướng giảm nhẹ trong các tháng cuối quý 2/2020.
Nhiều nhà mặt phố treo biển cho thuê sau tác động của dịch COVID-19. Ảnh: Phương Uyên
Xem Video: Một Nhà – Nghệ Thuật Phố Đi Bộ Nguyễn Huệ
Không cho thuê được căn nhà phố 3 tầng nằm trên mặt tiền đường Điện Biên Phủ, quận 3 dù treo biển gần 3 tháng nay, chị Bích Ngọc, chủ căn nhà quyết định rao bán đứt để xoay sở tiền trong điều kiện khó khăn. Chị Ngọc cho biết đây là quyết định cực chẳng đã vì căn nhà là tài sản để dành do cha mẹ cho vợ chồng chị lúc ra riêng lại có giá trị kinh tế lớn.
“Từ đầu năm đến nay khi tình hình dịch bệnh bùng phát, việc xuất nhập khẩu với Trung Quốc gặp khó khăn khiến chuyện làm ăn của gia đình ngày càng bế tắc. Cầm cự gần 4 tháng tôi buộc phải chấp nhận bán rẻ căn nhà với giá thấp hơn gần 15% so với giá được chào mua ngoài thị trường đợt cao điểm 2019” – chị Ngọc cho biết.
Ở nội thành TP.HCM, rất hiếm nhà mặt tiền đường lớn được rao bán, chủ yếu họ chỉ chấp nhận cho thuê dài hạn. Ở các tuyến đường thương mại thuộc trung tâm như Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Bỉnh Khiêm, 3/2, Nguyễn Tri Phương… nhà mặt tiền là sản phẩm có tiền cũng khó mua được. Các hộ kinh doanh tranh nhau thuê vì vị thế giao dịch tốt nên chủ nhà không mấy ai có ý định bán. Tuy nhiên hiện nay, không khó bắt gặp những tờ rơi rao bán nhà dán trước cửa, các băng rôn cho thuê hoặc bán nguyên căn treo đầy trên các căn nhà dọc theo tuyến đường này.
Anh Đỗ Mạnh Hùng, một môi giới nhà phố tại quận 3 cho biết, cách đây 1 năm có đơn vị nước ngoài muốn mua đứt 1 căn nhà mặt tiền đường 3/2, quận 10 để kinh doanh thương hiệu điện tử nhưng chẳng tìm thấy ai chấp nhận bán. Nhiều nhất là chấp nhận ký HĐ dài hạn trong vòng 20 năm. Vậy mà chỉ sau một mùa dịch, nhà phố tại TP.HCM rao bán rầm rộ.
“Từ nhà trong hẻm, nhà đường phụ cho đến các tuyến đường chính, trung tâm của Sài Gòn cũng rao bán ngày một nhiều hơn. Khó khăn kinh tế bủa vây khiến không ít chủ nhà buộc phải chấp nhận bán nhà vì không còn lựa chọn nào khác” – anh Hùng cho biết.
Làn sóng rao bán nhà mặt phố đang lan rộng trên địa bàn TP.HCM. Nếu trước đây, giao dịch nhà chủ yếu diễn ra trên các tuyến đường phụ, hẻm thông ra đường chính. Các chủ nhà sở hữu căn nhà mặt tiền sẽ không rao bán lại dù là đi xuất ngoại thì nay nhiều môi giới cho biết nhà mặt phố được rao bán rất nhiều. Tuy nhiên nhu cầu mua lại không cao.
Anh Nguyễn Vĩnh Phát – GĐ một công ty môi giới nhà phố nội thành cho biết, nhà phố luôn là sản phẩm có giá trị lớn, nhà phố mặt tiền đường trung tâm giá lại càng cao gấp 2-3 lần các sản phẩm khác. Vì vậy người mua phần nhiều là giới tài chính dư giả, các doanh nghiệp cần tìm mặt bằng kinh doanh dài hạn, các thương hiệu quốc tế lớn hay dân đầu tư cá mập.
“Tình trạng kinh tế khó khăn đang khiến không ít ông lớn thấm đòn, nhu cầu giao dịch nhà phố vì vậy cũng bị ảnh hưởng lớn. Sức mua giảm mạnh nên dù rất nhiều sản phẩm tốt chào bán nhưng nhu cầu mua không cao. Hầu hết đều phải chấp nhận thực tế giá bán không thể cao như thời điểm 2019” – anh Nguyễn Vĩnh Phát chia sẻ. Anh Phát cho biết thêm, dù khó bán nhưng chủ nhà cũng không chịu giảm giá mạnh.
Theo dữ liệu big data của Batdongsan.com.vn, tính riêng trong quý 1 và các tháng đầu quý 2/2020, nhu cầu giao dịch nhà phố, nhà lẻ tại TP.HCM liên tục giảm mạnh. Trong 3 tháng đầu năm, mức độ quan tâm nhà phố giảm 33% so với quý trước, giá chào thuê cũng giảm gần 11% trong khi giá bán có xu hướng đi ngang, thậm chí giảm từ 2-3% tại một số quận trung tâm như quận 1, quận 3, quận 7, quận 10. Đặc biệt, loại hình nhà phố mặt tiền đường có mức độ quan tâm giảm mạnh hơn so với các căn nhà riêng lẻ nằm trong các tuyến đường nhỏ, đưởng hẻm.
Trong 2 tháng đầu , giá bán nhà lẻ, nhà phố chưa có dấu hiệu cải thiện. Nếu so với giá bán cao điểm giữa năm 2019, giá nhà mặt phố tiếp tục hạ nhiệt trung bình đến 2%. Trong khi nhà riêng, nhà hẻm có giá bán đi ngang thì các tuyến đường chính lại chào bán giá thấp hơn từ 3-5% so với cùng kỳ.
Một khảo sát gần đây của CBRE Việt Nam cũng cho thấy, 79% khách thuê lo lắng doanh thu 6 tháng cuối năm sẽ xấu hơn; 43% khách thuê cho rằng doanh thu sẽ giảm từ 10-30% trong năm 2020.
“Tình trạng khó khăn được dự báo sẽ kéo dài đến hết năm 2020 khi áp lực tài chính vào giai đoạn này sẽ gay gắt hơn do các khoản quyết toán với ngân hàng. Hoạt động kinh doanh ảm đạm khiến việc cho thuê mặt bằng khó khăn, làn sóng rao bán nhà phố sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới” – các chuyên gia dự báo.