Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang đào ao nuôi trồng thủy sản, đến nay, mô hình này của anh Nguyễn Văn Toàn, sinh năm 1986, thôn Lộc Xá, xã Quảng Long (Quảng Xương) đã đem lại nguồn thu nhập ổn định mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng. Anh trở thành tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương.
Mô hình nuôi trồng thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao cho anh Nguyễn Văn Toàn.
Tiếp chúng tôi, anh Toàn tâm tình: “Để có được thành quả như ngày hôm nay, tôi đã phải 9 năm vất vả và cũng nếm trải không ít thất bại. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi đã có ý tưởng phát triển kinh tế bằng chính nghề nông của gia đình. Nhưng thời điểm ấy, tuổi còn trẻ, chưa có kinh nghiệm, vốn liếng là 2 bàn tay trắng nên tôi quyết định vào miền Nam đi làm để tích góp 1 ít vốn về làm ăn. Những năm làm công nhân, những ngày nghỉ, tôi lại lặn lội đến các mô hình nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu để học hỏi. Khi đã chuẩn bị kiến thức nhất định và có ít vốn, tôi quyết định về quê thầu đất khởi nghiệp”.
Thời gian đầu vỡ vạc khu đất cằn 1,7 ha giữa 4 bề hoang vắng, không ai nghĩ anh Toàn có thể biến nó thành nơi để phát triển kinh tế. Cả một khu đất trống cằn cỗi, không có nhà dân, không một lối đi, không điện, nguồn nước bị nhiễm phèn, anh phải ngày đêm lăn lộn cải tạo. Đầu tiên là thuê máy xúc để san đất đá, sau thì mở đường, đào ao, đắp bờ… Bằng sức trẻ của cậu thanh niên tuổi ngoài 20 và ý chí, kiên định của một người làm kinh tế, sau bao ngày tháng nỗ lực, bãi đất hoang ngày nào giờ đã trở thành một khu chăn nuôi tổng hợp, mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình.
Nhiều người cho rằng anh Toàn quá mạo hiểm khi bỏ ra hàng chục triệu đồng để đầu tư vào chăn nuôi thủy sản, lĩnh vực mà từ trước đến nay ở địa phương chưa có ai từng làm. Quả nhiên, những năm đầu, do thiếu vốn và không nắm được nhu cầu của thị trường cũng như kỹ thuật chăn nuôi nên Toàn gặp không ít khó khăn. Không lùi bước, anh quyết định theo học lớp trung cấp thú y của Trường Cao đẳng Nông lâm Thanh Hóa để có thêm kiến thức để làm nghề. Nhờ tích cực trau dồi kiến thức được học bài bản và những kinh nghiệm từ sách báo, truyền hình, trực tiếp tham quan thực tế tại các mô hình ở nhiều nơi, sau 3 năm, mô hình nuôi trồng thủy sản của gia đình anh đã từng bước đi vào ổn định và cho thu nhập khá.
Hiện nay, hơn 3,5 ha đã được anh Toàn quy hoạch theo quy trình khép kín với nhiều khu vực riêng biệt nuôi nhiều loài thủy sản khác nhau để xuất bán cả con giống và vật nuôi lấy thịt như: Cá chuối, ếch, ốc nhồi… Để có nguồn thủy sản chất lượng cung cấp ra thị trường, anh Toàn cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn, từ việc chọn con giống đến quá trình chăm sóc, xử lý mầm bệnh. Anh cho biết: Trong nuôi trồng thủy sản, bên cạnh nguồn thức ăn thì môi trường nước đóng một vai trò trọng yếu quyết định đến chất lượng của vật nuôi. Nguồn nước lấy từ sông Hoàng trước khi bơm vào các bể, ao nuôi, anh thường xử lý bằng các chế phẩm sinh học bên trong một diện tích ao lắng. Để một thời gian khi nguồn nước đủ đảm bảo an toàn cho con cá, con ốc, anh tiến hành đưa vào từng bể nuôi. Thức ăn cho vật nuôi cũng được tận dụng từ các sản phẩm nông nghiệp có sẵn quanh vườn được trồng theo phương pháp hữu cơ như: Cám gạo, ngô, sắn, bèo trứng, cỏ… Điều này đã giúp gia đình anh tiết kiệm được từ 30 – 40% chi phí so với sử dụng thức ăn công nghiệp mà con vật nuôi vẫn nhanh lớn và ít bị bệnh, thịt chắc, thơm, con giống khỏe, tỉ lệ sống cao.
Không giữ bí quyết cho riêng mình, từ nhiều năm nay, anh Toàn đã đi đến hầu khắp huyện trong tỉnh để hỗ trợ cho nhiều người có thêm kinh nghiệm, cách thức để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, anh cũng đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các mô hình mới trong tỉnh do anh trực tiếp hỗ trợ, liên kết với nhiều mô hình lớn ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc để nhập nguồn hàng và cung ứng cho các bếp ăn tập thể, hệ thống các siêu thị, cửa hàng sạch tại TP Thanh Hóa, Hà Nội và Quảng Ninh.
Từ khi mở rộng quy mô và hình thức sản xuất, kinh doanh đến nay, trung bình mỗi năm gia đình anh Toàn xuất bán ra thị trường hàng chục tấn thủy sản các loại và hàng trăm vạn con ốc, ếch giống, lợi nhuận đạt 300 triệu đồng/năm. Dự kiến từ nay đến cuối năm, anh sẽ đầu tư mở rộng thêm nhiều diện tích ao nuôi ếch và lươn hơn nữa để đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Sau 9 năm kiên trì thực hiện mô hình chăn nuôi thủy sản, gia đình anh Toàn từ chỗ còn khó khăn về kinh tế nay đã trở thành hộ kinh tế khá giả trong vùng. Hiện, ngoài 4 lao động chính trong gia đình, anh còn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động thường xuyên với thu nhập 3,6 triệu đồng/người/tháng, 10 – 12 lao động thời vụ với tiền công 200 – 250.000 đồng/người/ngày.
Nói với chúng tôi về dự định trong tương lai, anh Toàn khẳng định: Tôi vẫn sẽ theo đuổi mô hình “nông nghiệp xanh” để sản phẩm của mình có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với tất cả các sản phẩm cùng loại từ nhiều mô hình khác. Bên cạnh đó, tôi sẽ từng bước mở rộng thị trường ra các tỉnh, đẩy mạnh liên kết hợp tác với nhiều trang trại tại các khu vực phía Bắc để có đủ nguồn hàng cung ứng khắp các hệ thống tiêu thụ trong nước.