Trẻ giận dữ vì không có điều mình muốn, do đó nếu muốn kiểm soát cơn giận, bạn cần đưa ra cảnh báo, mệnh lệnh ngắn gọn và cho trẻ lựa chọn.
Tại sao trẻ giận dữ?
Tiến sĩ Ray Lewy, nhà tâm lý học lâm sàng tại Dallas, Mỹ, chia sẻ với trẻ em, mọi cơn giận dữ đều xuất phát từ việc không có điều mình muốn. Với trẻ 1-2 tuổi, những cơn giận dữ bắt nguồn từ việc cố gắng truyền đạt nhu cầu như thêm sữa, thay tã, nhưng các em chưa có khả năng ngôn ngữ để làm điều này nên thất vọng nếu bạn không đáp ứng. Khi trẻ biết đi, cơn giận như một cuộc tranh giành quyền lực bởi các em bắt đầu nhận thức về nhu cầu và mong muốn của mình.
Một số loại giận dữ của trẻ
Các chuyên gia về hành vi cho rằng giận dữ ở trẻ em được chia ra ba loại cơ bản.
Thứ nhất, Gimme Tantrum là nhu cần đòi hỏi một thứ gì đó, thường là đồ ăn vặt hoặc đồ chơi. Khi bước vào bếp hoặc cửa hàng tạp hóa, trẻ sẽ bị kích thích thị giác, chú ý tới các đồ vật được bày bán sau đó nảy sinh mong muốn sở hữu nó. Khi không được đáp ứng, trẻ sẽ nổi giận.
Loại thứ hai là Attention-Getter Tantrum. Trường hợp này nghe có vẻ vô lý vì bạn và trẻ đôi khi không cần tương tác trực tiếp. Chẳng hạn, khi trẻ đang chơi đùa hoặc tập trung làm tốt một việc, bạn đột nhiên đi qua, nói to hoặc nghe điện thoại, trẻ sẽ bị phân tâm và chú ý đến bạn, gây mất tập trung với công việc đang làm. Việc này cũng có thể khiến những đứa trẻ nổi giận.
Power Struggle Tantrum là loại thứ ba, trẻ muốn thể hiện quyền lực và cái tôi của mình. Nếu yêu cầu rời khỏi sân chơi hoặc đi ngủ sớm, bạn không nên ngạc nhiên khi đứa trẻ tỏ ra tức giận và chống đối.
Cách xử lý cơn giận của trẻ
Bạn không thể ngăn chặn hoàn toàn việc trẻ giận dữ, nhưng có thể tránh những điều tồi tệ mà chúng gây ra.
Chuẩn bị đồ chơi đầy đủ. Trước khi dẫn đi mua sắm hoặc du lịch, bạn cần đảm bảo rằng trẻ được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ. Trong chuyến đi, bạn nên mang theo một món đồ chơi có tính tương tác cao hoặc cho trẻ luyện tập bằng cách viết ra những điều mình muốn. Bạn cũng có thể lập danh sách phần thưởng, giao hẹn rằng nếu trẻ làm tốt, không ăn vạ hoặc đòi hỏi trong chuyến đi, trẻ có thể chọn một trong những phần thưởng đó.
Đưa ra cảnh báo trước. Để có thể ngăn chặn cơn giận của trẻ, một trong những cách phổ biến là đưa ra cảnh báo trước. Trẻ ở độ tuổi mới biết đi cần được biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, chẳng hạn “con có thể chơi ba vòng đu quay nữa rồi chúng ta sẽ về nhà” cũng có thể giúp bạn kiểm soát tình hình. Bạn nên tránh những “giao kèo” có yếu tố thời gian như “con chơi đu quay trong 5 phút nữa” vì trẻ sẽ không có khái niệm giờ, phút tại độ tuổi này.
Đưa ra mệnh lệnh ngắn gọn. Nhìn chung, trẻ em rất dễ thay đổi sự chú ý. Những cơn giận dữ có thể bị “đánh lạc hướng” bằng việc bạn chỉ tay về phía con mèo, khen bộ lông đẹp hoặc đơn giản là nói “Con đi tô màu đi”, “Đến giờ tưới hoa rồi”. Khi trẻ tức giận, không nên nói những câu như “Con phải ngoan” vì thời điểm đó, trẻ không quan tâm đến những gì bạn an ủi hay dỗ dành.
Dù giải quyết theo cách nào, bạn cũng không nên “đầu hàng” cơn giận của trẻ bằng cách chiều theo những gì trẻ muốn. Khi bạn nhượng bộ, trẻ sẽ hiểu những cơn giận có hiệu quả và áp dụng nhiều hơn, có thể kết hợp việc la hét.
Cho trẻ lựa chọn. Quay lại lý do trẻ giận dữ, đó là không được đáp ứng nhu cầu, muốn là người kiểm soát. Do đó, hãy trao quyền bằng cách cho trẻ sự lựa chọn, chẳng hạn “Con muốn làm gì trước, chải đầu hay đánh răng?”. Tuy nhiên, bạn cần giải thích thêm rằng nếu không tuân thủ, trẻ sẽ bị phạt. Trường hợp trẻ không biết làm hoặc chưa biết lựa chọn như nào, hãy đóng vai trò người tư vấn và để trẻ quyết định.
Thanh Hằng (Theo Parents)