HomeDoanh nghiệpLại chuyện bà bán phở sẽ thành giám đốc | Tài chính...

Lại chuyện bà bán phở sẽ thành giám đốc | Tài chính – Kinh doanh

Cùng với quy định hộ phải đăng ký lên doanh nghiệp còn hiệu lực, hàng triệu hộ kinh doanh sẽ phải “thêm nhiều thủ tục”.

Lên doanh nghiệp “lấy gì mà sống”

Mấy năm qua, bà L.T.Sáng, chủ một tiệm phở tại Q.4 (TP.HCM), đã nhiều lần được cán bộ phường vận động đăng ký lên doanh nghiệp (DN) nhưng bà từ chối. Tiệm phở của bà đã gần 30 năm qua, chỉ bán từ sáng đến 11 giờ trưa nhưng do đắt hàng tại cùng một thời điểm, tổng cộng từ người giữ xe, bưng bê, rửa bát, nhặt rau, tính tiền… cũng lên cả chục người làm. Theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh cứ sử dụng 10 lao động trở lên phải đăng ký thành DN. Thế nhưng nếu cứ ép lên thành DN thì “tôi thà nghỉ bán còn hơn”, bà Sáng kiên quyết.


Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng không cần bắt buộc tất cả các hộ cá thể phải đăng ký thành DN. Có những hộ có 20 người phục vụ nhưng là tiệm hủ tiếu, bán phở doanh số không quá cao. Trong khi thực tế có những hộ kinh doanh chỉ 3 – 4 người nhưng doanh số mỗi năm có thể lên cả chục tỉ đồng. Như vậy ép những người bán phở, hủ tiếu, bún đậu… lên DN là khiên cưỡng. Việc bắt buộc các hộ kinh doanh có từ 10 người trở lên phải đăng ký lên DN là không cần thiết.

“Ép hộ kinh doanh lên DN khiến họ e ngại vì nhiều thủ tục, nhất là sổ sách kế toán và cũng làm gia tăng chi phí cho cơ sở kinh doanh. Hay việc đưa quy định hộ kinh doanh vào luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng không có tác dụng gì và cũng không phù hợp cho nội dung của luật này. Đó là chưa kể trong dự thảo luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng không đưa ra được những vấn đề như ưu đãi, tạo điều kiện thế nào để cho hộ kinh doanh lên DN thì đâu có khác gì với các quy định hiện hành”.

Lý do theo bà Sáng, bà bán tại nhà, mỗi ngày chỉ vài tiếng, trong 10 nhân viên thì có tới 3 người trong nhà. Cũng vì bán tại nhà, thỉnh thoảng bà lại đóng cửa, khi thì vì trời mưa ít khách, khi thì vào ngày ăn chay, có khi chẳng vì lý do gì nhưng bà ưng thì bán, không thì nghỉ mệt. “Phục vụ cũng toàn người quen, trả công nhật, chúng tôi có biết gì đâu mà doanh với nghiệp. Hẻm này dài chưa đầy 50 m có hàng chục quán ăn sáng, ai cũng “sợ” làm giám đốc”, bà Sáng nói.

Một cuộc khảo sát bỏ túi của người viết tại một con hẻm nhỏ nằm trên đường 3 Tháng 2 (Q.10, TP.HCM) với dãy quán ăn chuyên “trị” món bắc. Bà chủ quán bún đậu mắm tôm T.T tên Mai cho biết, quán có 10 lao động cũng nhiều lần được vận động thành lập DN với loạt ưu đãi hấp dẫn về thuế má. Nhưng bà không muốn lên DN vì… không có nhu cầu. “Trên quận gọi lên 5 lần 7 lượt, bảo lên DN đi. Tui nói quán mới lập hơn năm, món bún đậu mắm tôm lại đang thoái trào, nhân viên trồi sụt, nay làm mai nghỉ, lên DN… kỳ quá. Sau đêm thức dậy, tui thành bà giám đốc quán bún đậu”, bà Mai vừa nói vừa cười ha hả và bảo khi nào lập thành chuỗi quán bún đậu sẽ lập DN. Hay trong con hẻm gần trường học trên đường Trần Quang Diệu (Q.3, TP.HCM), quán phở của bà Hoa đã tồn tại hơn 20 năm nay. Quán có gần 10 người phục vụ, chưa tính con cháu trong nhà thỉnh thoảng ra phụ rửa chén bát vào những ngày cuối tuần khách đông. Bà Hoa từng được vận động lập DN do mô hình kinh doanh hộ gia đình “phong phú”. Sáng bán phở, chiều bán nước ngọt, sinh tố cũng toàn tận dụng người trong nhà. Vào những ngày rằm, bà đổi nấu hủ tiếu chay, có hôm đau chân, bà đóng cửa. “Tui trả lời với mấy em trên quận, tui năm nay ngoài 70 tuổi, gần giải nghệ rồi. Leo lên làm giám đốc không giống ai cả. Mấy con muốn thuế nhiêu, dì trả, nhưng nói dì làm giám đốc quán phở là không đặng rồi…”, bà nói hài hước.
Chủ cơ sở may mặc D.T tại Q.8, TP.HCM, bà Thanh Trang cũng cho biết, gia đình bà có hơn chục thợ may, chồng làm chủ hộ sản xuất nhưng điều hành chính là bà. Sáng bà Trang phải tự ra mẫu, chuyển mẫu cho thợ cắt may. Trưa lo cơm nước cho thợ, chiều lo giao hàng về tỉnh. Bà Trang chia sẻ: “Chúng tôi đăng ký hộ kinh doanh từ 15 năm nay. Không giàu nhưng duy trì nguồn thu nhập ổn định đảm bảo đời sống cho hơn 10 công nhân làm việc hằng ngày. Cơ sở nhỏ gọn, nên đóng theo thuế khoán khoảng 2,2 triệu đồng/tháng, thuế môn bài đóng mỗi năm 10.000 đồng, thuế xuất theo hóa đơn cũng từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Hơn năm nay, cơ sở may D.T cũng được trên quận vận động lên DN nhưng nhiều tháng mùa mưa sản xuất cầm chừng, chỉ có 2 thợ làm, lên DN “lấy gì mà sống” khi phải nuôi thêm bộ phận kế toán, thủ quỹ, hành chính…”.

Sẽ có hàng triệu doanh nghiệp li ti

Trong khi quy định hiện hành chưa thực hiện được thì theo quy định tại dự thảo luật Doanh nghiệp 2014 sửa đổi, những ông chủ, bà chủ bán phở, bán hủ tiếu này khi đăng ký hộ kinh doanh phải gửi kèm danh sách các thành viên gia đình với bản sao tất cả thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp… Cơ quan soạn thảo luật là Bộ Kế hoạch – Đầu tư nhấn mạnh không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành DN hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh. Việc bổ sung quy định trong luật Doanh nghiệp sửa đổi là thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh với vai trò và vị trí quan trọng, tạo điều kiện gia đình có cơ hội kinh doanh nâng cao đời sống. Thế nhưng rất nhiều hộ kinh doanh cho rằng “thêm việc” cho họ vì thủ tục rắc rối hơn. Ông Lê Quang, chủ cơ sở sản xuất chả giò (Q.Tân Phú, TP.HCM), phân tích con cái đi học, giờ rảnh phụ lau lá chuối, vớt chả ra rổ cho ráo rồi đi học, cũng có thể coi như thành viên có liên quan hoạt động sản xuất của hộ gia đình, phải photocopy thẻ căn cước của con cái nộp khi đăng ký hộ kinh doanh là dư thừa vì cũng không có tác dụng gì.



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img