Bộ GD-ĐT vẫn sẽ ra đề thi?
Tại phiên họp, Bộ GD-ĐT đề xuất phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ giai đoạn 2021 – 2025 và được đa số thành viên hội đồng cơ bản nhất trí. Theo đó, sẽ vẫn giữ ổn định và từng bước hoàn thiện mô hình kỳ thi như đã tổ chức năm 2020. Trong đó, sẽ phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của địa phương, cơ sở GD ĐH.
Sẽ tiếp tục tổ chức thi trên giấy; từng bước tổ chức thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện, tiệm cận dần với tinh thần đổi mới chương trình GD phổ thông 2018.
Như vậy, hình thức kỳ thi tốt nghiệp trong giai đoạn tới vẫn là thi trên giấy (theo phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020). Các địa phương được khuyến khích tổ chức thi trên máy tính khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện: ngân hàng câu hỏi thi, nhân lực, thiết bị, quy trình… Thi trên máy tính phải được tính toán để bảo đảm các yêu cầu tương quan với thi trên giấy và thí sinh có thể được dự thi một số lần trong năm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các năm tới vẫn có 5 bài thi gồm: 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ); 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học; 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh giáo dục THPT và tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với thí sinh giáo dục thường xuyên.
Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Ngân hàng câu hỏi thi được bổ sung về số lượng và đảm bảo chất lượng, khách quan, tin cậy và độ cân bằng giữa các đề thi.
Tuyển sinh ĐH nếu thay đổi lớn cần công bố trước 3 năm
Về tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định. Các cơ sở GD ĐH tiếp tục sử dụng các phương thức: tuyển thẳng theo các điều kiện được quy định, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, từ kết quả học tập THPT (điểm học bạ), từ điểm thi do các trung tâm khảo thí có uy tín được Bộ GD-ĐT công nhận hoặc do các tổ chức khảo thí uy tín của nước ngoài đánh giá… và kết hợp giữa các phương thức trên.
Riêng việc tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên, cần thúc đẩy để cơ chế chính sách hỗ trợ sớm đi vào thực tiễn (Nghị định về học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí sư phạm…). Ngoài ra, phải linh hoạt trong nguồn tuyển (không chỉ phụ thuộc vào thi tốt nghiệp THPT).
Với phương án thi và tuyển sinh trên, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế, hướng dẫn và tổ chức thanh tra, giám sát công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT; hoàn chỉnh cơ chế, điều kiện thực hiện phân cấp để các sở GD-ĐT địa phương chủ trì tổ chức thi tốt nghiệp THPT (các cơ sở GD ĐH tham gia tổ chức kỳ thi chủ yếu ở hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát).
Các tỉnh chủ trì chỉ đạo, tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương theo quy định của luật Giáo dục và quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT ban hành.