Trong quý 2/2020, kinh tế Mỹ trải qua đợt suy giảm tồi tệ nhất tính từ thập niên 1940, thực tế này cho thấy đại dịch Coѵīd-19 đã tác động đến doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ tồi tệ đến thế nào.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm điểm khi mà nhà đầu tư đón nhận thông tin hoạt động kinh tế tại Mỹ giảm kỷ lục. Tuy nhiên, trong phiên đã có lúc cổ phiếu các công ty công nghệ tăng trước khi kết quả kinh doanh của họ được công bố.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày gần nhất, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 225,92 điểm tương đương 0,8% xuống 26.313,65 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,4% xuống 3.246,22 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 04% lên 10.587,81 điểm.
Số liệu từ chính phủ Mỹ công bố ngày thứ Năm cho thấy GDP Mỹ giảm kỷ lục 32,9% trong quý 2/2020. Con số này không tệ như dự báo bởi trước đó các chuyên gia đã tính toán đến con số suy giảm 34,7%.
Trong khi đó, số liệu mới công bố cho thấy số lượng người Mỹ nộp đơn xin thất nghiệp lần đầu hiện duy trì ở mức 1,434 triệu người, đúng với dự báo của các chuyên gia. Tuy nhiên, số lượng người tiếp tục xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong vòng ít nhất 2 tuần lên tổng số 17,018 triệu người, cao hơn nhiều so với con số 16 triệu vào tuần trước.
Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại The Bahnsen Group, ông David Bahnsen, nhận xét: “Thị trường chứng khoán nhìn về phía trước còn phần lớn số liệu kinh tế phản ánh những gì đã diễn ra. Nhà đầu tư nên chuẩn bị cho quá trình giao dịch có nhiều biến động, tuy nhiên không ngạc nhiên rằng thị trường cảm thấy tương lai sẽ tốt hơn hiện tại và các gói kích cầu quy mô kỷ lục cũng tác động đến giá cổ phiếu”.
Theo các số liệu kinh tế công bố vào ngày thứ Năm, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 10 năm giao dịch ở quanh ngưỡng 0,54%, điều này không khỏi gây áp lực lên cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu JP Morgan Chase, Goldman Sachs và Bank of America giảm ít nhất 1,5%. Cổ phiếu Citigroup giảm 3,1%.
Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư toàn cầu tại Ascent Private Capital Management, ông Tom Hainlin, nhận xét: “Cái bạn đang chứng kiến từ dữ liệu và phản ứng của thị trường chính là việc rút đi các gói hỗ trợ thất nghiệp sẽ gây ra hậu quả lớn. Chính vì vậy, động lực khiến Quốc hội Mỹ thông qua gói hỗ trợ này sẽ không hề nhỏ”.
Cũng theo ông, điều đó lý giải cho việc tại sao cổ phiếu của nhiều ngành bao gồm năng lượng, tài chính và hàng hóa nguyên liệu giảm trong phiên gần nhất. Chỉ số cổ phiếu hàng hóa nguyên liệu thuộc S&P 500 giảm gần 2%, còn chỉ số cổ phiếu năng lượng giảm 4%, chỉ số cổ phiếu tài chính giảm 1,8%.
Trong quý 2/2020, kinh tế Mỹ trải qua đợt suy giảm tồi tệ nhất tính từ thập niên 1940, thực tế này cho thấy đại dịch Coѵīd-19 đã tác động đến doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ tồi tệ đến thế nào, đồng thời nó khiến cho hàng triệu người Mỹ mất việc, theo tin từ Bloomberg.
Theo tính toán và công bố lần đầu của Bộ Thương mại Mỹ vào ngày thứ Năm, GDP Mỹ quý 2/2020 suy giảm 9,5% so với quý đầu tiên. Còn nếu so với cùng kỳ năm 2019, kinh tế Mỹ suy giảm 32,9%. Đây là mức độ suy giảm tính theo năm tồi tệ nhất của kinh tế Mỹ tính từ năm 1947, mức độ sụt giảm dẫu sao ít hơn nhiều so với con số dự báo 34,5%. Tiêu dùng cá nhân, đóng góp khoảng 2/3 vào GDP Mỹ, giảm 34,6% và như vậy cũng là mức sụt giảm kỷ lục.
Những con số mới công bố cho thấy mức độ tàn phá kinh tế nghiêm trọng xuất phát từ quy định phong tỏa và yêu cầu người dân ở nhà của chính phủ Mỹ. Chính phủ Mỹ buộc phải đưa ra các biện pháp này nhằm làm chậm đà lây lan của virus Coѵīd-19.
Dù rằng tình trạng thất nghiệp, chi tiêu của người dân và sản xuất doanh nghiệp đã hồi phục dần dần từ khi nền kinh tế được mở cửa trở lại vào tháng 5/2020, ngoài ra, nhiều người dân Mỹ nhận được tiền trợ cấp liên bang, việc số lượng các ca lây nhiễm Coѵīd-19 tăng cao cũng đang cản đà phục hồi của kinh tế Mỹ.
Việc tình trạng lây nhiễm Coѵīd-19 tăng cao cho thấy thất bại của chính phủ Mỹ trong việc chặn đà lây lan của Coѵīd-19, đồng thời nó cũng phát đi thông điệp rằng kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ hồi phục chậm hơn so với nhiều nền kinh tế đã làm tốt hơn công tác chống dịch.
Còn theo các chuyên gia kinh tế, chừng nào mà đại dịch vẫn tiếp diễn mà không có vắc xin, sản lượng kinh tế Mỹ sẽ vẫn duy trì dưới ngưỡng trước khủng hoảng, điều này sẽ tạo ra nhiều “vết sẹo” lâu dài trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như cuộc sống của người lao động.