Thời kỳ tăng trưởng kinh tế dài nhất trong lịch sử nước Mỹ chính thức chấm dứt từ tháng 2, theo Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ.
Đại dịch khiến nền kinh tế Mỹ đình trệ. Ảnh: CNN.
Theo CNN, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) cho biết dịch Coѵīd-19 đã “nghiền nát” nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ, từ hàng không, tiêu dùng cho đến giải trí.
“sản xuất và việc làm lao dốc ở quy mô chưa từng thấy, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, cho thấy đây là một cuộc suy thoái, dù có thể ngắn hơn những đợt suy thoái trước đây”, NBER cho biết.
Tính đến nay, hơn 42 triệu người lao động Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp. Các công ty lớn như JCPenney, J.Crew và Hertz nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Giới chuyên gia kinh tế dự đoán GDP Mỹ lao dốc tới 40% trong quý II.
Đại dịch Coѵīd-19 đánh dấu chấm hết quá trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ từ thời kỳ Đại suy thoái. Với 128 tháng tính đến tháng 7/2019, đây là giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử kinh tế Mỹ kể từ năm 1854, phá kỷ lục 120 tháng từ tháng 3/1991 đến 3/2001.
Thông thường, một nền kinh tế bị xác định là rơi vào suy thoái khi tăng trưởng hai quý liên tiếp sụt giảm. Dù Mỹ chỉ mới trải qua quý I tăng trưởng âm 5%, NBER xác định không cần chờ kết quả quý II để thông báo kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái.
NBER cho biết nền kinh tế Mỹ lao dốc cực nhanh trong tháng 3 khiến GDP quý I và việc làm đều thấp hơn rất nhiều so với quý IV/2019.
Quá trình tăng trưởng liên tục 128 tháng của nền kinh tế Mỹ bị chặn đứng vì dịch Coѵīd-19. Ảnh: Bloomberg.
Dù vậy, các nhà kinh tế dự đoán GDP Mỹ sẽ tăng mạnh từ quý III, khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại và người lao động quay lại làm việc. Thêm vào đó, nền kinh tế Mỹ nhận được sự hỗ trợ chưa từng thấy từ chính phủ liên bang.
Quốc hội và Nhà Trắng nhanh chóng thông qua gói kích thích có quy mô kỷ lục, hỗ trợ trực tiếp từng hộ gia đình, tiếp vốn các doanh nghiệp nhỏ và giải cứu một số tập đoàn lớn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng thực hiện những biện pháp có quy mô vượt xa thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Trong khủng hoảng, nền kinh tế Mỹ cũng đã nhìn thấy những tia hi vọng đầu tiên. Cuối tuần qua, Cục Thống kê Lao động gây sốc khi cho biết nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 2,5 triệu công ăn việc làm trong tháng 5, mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ năm 1939.