Bất chấp việc GDP Mỹ sụt giảm ở mức kỷ lục, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Á không biến động mạnh.
Theo CNBC, đầu phiên giao dịch ngày 31/7, thị trường châu Á – Thái Bình Dương chứng kiến những diễn biến trái chiều. Tại Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải nhích lên 1%, Shenzhen Component của thị trường Thâm Quyến tăng 1,45% nhờ các thông tin tích cực về tình hình kinh tế nước này. Ở Hong Kong, chỉ số Hang Seng cũng tăng nhẹ 0,73%.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,32% đầu phiên giao dịch sáng 31/7, chỉ số Topix của sàn Tokyo sụt 1,38%. Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi Hàn Quốc tăng nhẹ 0,2%. Còn tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 1,42%.
Tính chung, chỉ số MSCI châu Á (không bao gồm Nhật Bản) tăng 0,46% đầu phiên giao dịch sáng 31/7. Thị trường chứng khoán Singapore, Malaysia và Indonesia đóng cửa vì nghỉ lễ ngày hôm nay.
Hôm qua, chính phủ Mỹ thông báo GDP nước này tụt dốc tới 32,9% trong quý II. Đây là mức giảm lớn nhất từ năm 1947, gấp gần 4 lần quý tệ nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Dù vậy, mức suy giảm này vẫn thấp hơn so với dự báo 34,7% của các nhà phân tích theo khảo sάּt Dow Jones.
bất chấp thống kê tồi tệ này, chỉ số chứng khoán S&P 500 và Down Jones chỉ giảm lần lượt 0,4% và 0,9%. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq tăng 0,4% do giới đầu tư đặt kỳ vọng lớn vào kết quả kinh doanh tích cực của các đại gia công nghệ Mỹ, bao gồm Apple, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Amazon.
Theo Market Watch, doanh số quý II ấn tượng của 4 tập đoàn đã đẩy giá cổ phiếu tương lai tăng trong đêm qua.