Công ty Liên doanh Vinamilk – KIDO sẽ sản xuất kinh doanh nước giải khát, kem, thực phẩm đông lạnh với mục tiêu doanh thu năm đầu 2.000 tỷ.
Tập đoàn KIDO cùng Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã ký thoả thuận ghi nhớ thành lập liên doanh trong lĩnh vực nước giải khát-kem. Trong đó, tỷ lệ vốn góp của Vinamilk là 51%, còn KDC 49%. Công ty có tên là Công ty TNHH Liên doanh nước giải khát VINAMILK – KIDO (Vibev). Mục tiêu doanh thu năm đầu tiên của liên doanh này là 2.000 tỷ đồng.
Thông tin trên được đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông Công ty CP Thực phẩm Đông lạnh KIDO – KidoFoods (KDF) – công ty con của KDC sáng (9/6).
Tại đại hội, ông Mai Xuân Trầm, Phó tổng giám đốc KDC cho rằng, để có được liên doanh này, cả hai đã nghiên cứu trong thời gian dài. Theo ông Trầm, đây là ngành hàng tiềm năng, quy mô lớn không chỉ trong nước mà còn cả thế giới.
Mặc dù ngành này đang cạnh tranh gay gắt nhưng với thế mạnh của liên doanh mới, ông Trầm hy vọng sẽ tạo ra bứt phá trên thị trường. Hiện 2 công ty có khoảng trên một triệu điểm bán nước; trong đó có 600.000 điểm bán tạp hóa có các loại sữa, 450.000 điểm bán thực phẩm thiết yếu, 120.000 điểm bán ngành hàng lạnh.
Song song đó, cả hai đều có năng lực về nhà máy sản xuất, nghiên cứu phát triển sản phẩm, quản trị, điều hành doanh nghiệp, nguồn lực tài chính mạnh… Ngoài ra, mạng lưới xuất khẩu của Vinamilk tại 30 quốc gia sẽ hỗ trợ cho liên doanh vươn ra thế giới.
Theo thống kê, đến hết 2019, tổng quy mô của ngành này là 123.558 tỷ đồng, tăng 8,4% một năm. Năm 2020, dự kiến quy mô tăng lên 134.302 tỷ đồng và từ 2022 trở đi tốc độ tăng trưởng của ngành này mỗi năm sẽ trên 6%. Hiện, ngành nước chia ra 6 nhóm, mỗi nhóm thể hiện độ lớn khác nhau. Trong đó, quy mô năm 2019 thị phần nước giải khát không ga chiếm 41%, nước ngọt có ga 22%, tăng lực 17%, nước dinh dưỡng 9%, nước thưởng thức 6%, nước nhóm chức năng 5%.
Tại đại hội sáng nay, cổ đông cũng thông qua sáp nhập KDF vào công ty mẹ là Tập đoàn KIDO (KDC). Theo kế hoạch, KDC sẽ phát hành hơn 23 triệu cổ phần để hoán đổi 17,76 triệu cổ phiếu, tương ứng 32,69% cổ phần KDF đang lưu hành (không bao gồm phần do KDC sở hữu với tư cách cổ đông lớn). Tỷ lệ hoán đổi là một cổ phiếu KDF nhận 1,3 cổ phiếu KDC.
Theo lãnh đạo KDC, việc sáp nhập trên nhằm tận dụng lợi thế về quản trị để giúp cho KDF phát triển mạnh hơn. Song song kế hoạch sáp nhập, công ty sẽ chi trả cổ tức đặc biệt năm 2020 là 30%, tức 3.000 đồng một cổ phần nhằm chia hết phần thặng dự trước đó tại KDF. Bên cạnh đó, KDF sẽ chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty cổ phần sang Công ty TNHH một thành viên do KDC sở hữu 100% vốn điều lệ.
Cùng với sáp nhập KDF, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO cho hay, sẽ sáp nhập thêm Tường An. Còn Vocarimex sẽ được sáp nhập sau khi Nhà nước thoái vốn. Ông Nguyên cũng cho rằng việc sáp nhập này để các công ty cùng cộng hưởng, tăng sức mạnh và phủ nhận việc bán vốn KDC sau sáp nhập.
Ông Nguyên cũng cho biết thêm, sau 5 năm hoàn tất chuyển nhượng mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez International, đến tháng 7/2020 công ty hết các ràng buộc và có thể kinh doanh mảng này trở lại vào tháng 8. Trước đây 5 năm, mảng bánh kẹo của doanh nghiệp từng chiếm thị phần 35-40% nên sự trở lại này sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn chó KDC.
Năm 2020, KIDO Foods đặt kế hoạch doanh thu thuần 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng, tăng lần lượt 15,7 và 7,9% so với năm 2019.
Thi Hà