Ngay sau khi khống chế thành công dịch bệnh Coѵīd-19 ở Việt Nam, gần như cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở đều dồn sức để vực dậy nền kinh tế. Trong đó, hàng loạt các tỉnh thành đều triển khai kích cầu du lịch, kêu gọi người Việt đi du lịch trong nước. Tuy vậy, chưa có gói kích cầu ở địa phương nào thật sự ấn tượng, riêng có, ngoài biện pháp đồng loạt đại hạ giá…
Nhiều địa danh, thắng cảnh chưa được chú trọng, chuyển dịch để thu hút du lịch nội địa. Bàu Cạn, Gia Lai. Ảnh: Ng Tân
Đi lại cả bằng hàng không, thủy bộ đều được giảm giá đã thực sự kích thích việc di chuyển, tạo điều kiện cho mọi người dân có thể đi du lịch. Đặc biệt các khu nghỉ dưỡng sang trọng, các resort cao cấp cũng đồng loạt đại hạ giá. Nhiều du khách bình dân cũng có thể ung dung đặt phòng, nghỉ dưỡng ở nhưng nơi sang trọng mà vốn trước đây còn cân nhắc về giá cả. Đây là dấu hiệu khởi sắc cho du lịch.
Tuy vậy, lượng khách vẫn còn rất thấp so bình thường trước khi có dịch bệnh Coѵīd-19. Thống kê của chính quyền Hội An, đến nay vẫn còn 80% các cửa hàng, khách sạn trong tình trạng “ngủ đông”. Lý do là thời gian dài gần đây, Hội An đã phát triển lệch về nguồn khách, phần lớn du khách đến Hội An không phải là nội địa.
Thời điểm này dù đã khống chế được sự lây lan bệnh dịch Coѵīd-19, song vẫn chưa có vắc-xin nên nguy cơ tái phát, lây lan bệnh vẫn còn tiềm ẩn, khó lường. Khách ngoại chưa thể sớm trở lại Việt Nam, Hội An, nhưng các doanh nghiệp hoạt động du lịch thì cần phải sống. Việc đại hạ giá để lôi kéo khách nội, bình dân đến với mình là kịp thời, như là sự hà hơi tiếp sức, để có cơ hội phục hồi, phát triển trở lại.
Tuy vậy, các chương trình kích cầu vẫn mạnh ai nấy làm. Các doanh nghiệp nhỏ, nhà hàng, gánh hàng rong – vốn là hồn cốt phố cổ Hội An đang rất lúng túng không biết làm thế nào, vì có mở cửa cũng không có khách.
Đặc biệt các homestay, khách sạn nhỏ, quy mô từ 3 sao trở xuống lại rơi vào bi kịch mới, mất khách. Với các chiến dịch đại hạ giá, đã tạo điều kiện cho khách nội địa, bình dân có được cơ hội tốt để lựa chọn trải nghiệm tại các resort, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, giá rẻ. Vì vậy, khách sạn bình dân, homestay lại tái diễn thảm nạn ngắc ngoải chết tương tự những ngày còn dịch bệnh.
Vẫn biết dịch bệnh Coѵīd-19 và những ảnh hưởng của nó đến kinh tế – xã hội là chưa tiền lệ. Ứng phó, điều chỉnh để thoát những khủng hoảng là điều khó khăn, giải pháp nào cũng gặp phải bất cập, thậm chí sai lệch là điều dễ hiểu, thông cảm. Vấn đề là cần sớm nhận ra những bất hợp lý, mâu thuẫn, dễ dẫn đến cạch tranh không lành mạnh, triệt tiêu nhau như phong trào kích cầu du lịch hiện nay… để có những điều chỉnh ngay, phù hợp với thực tiễn.
Nhà nước không nên để các ngành, địa phương tự bơi, đưa ra các giải pháp rời rạt, mạnh ai nấy làm như hiện nay, mà cần có “nhạc trưởng”. Thống nhất những cách làm để có hiệu quả hơn chiến dịch đại hạ giá như hiện nay.