Lần này, ngoài việc phê phán hành vi trái đạo đức của 3 nữ sinh tham gia đánh HS lớp dưới dã man để “dằn mặt”, dư luận những ngày qua cũng đặt vấn đề về trách nhiệm.
Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải vụ việc, có rất nhiều bình luận của bạn đọc tranh luận nên xử lý nghiêm.
Câu chuyện
bạo lực học đường ở Tây Ninh xảy ra vào đúng thời điểm Bộ GD-ĐT lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với HS trong các cơ sở
giáo dục phổ thông (đang được lấy ý kiến đến hết ngày 31.10), trước khi ban hành chính thức nhằm thay thế Thông tư 08 được ban hành từ năm 1988. Điểm đặc biệt là mức kỷ luật cao nhất đối với HS có các hành vi như: đánh nhau có tổ chức, sử dụng vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, HS khác… sẽ bị tạm dừng học tập tối đa 2 tuần; bỏ hoàn toàn hình thức đuổi học 1 năm. Dư luận vẫn đang tiếp tục cuộc tranh luận kéo dài từ rất lâu nay trước hành vi trái đạo đức của HS qua vấn nạn mang tên “
bạo lực học đường”.
Tiếp cận từ thực tế, tôi ghi nhận một điểm chung không thể chối bỏ từ những HS, vốn là nạn nhân của bạo lực học đường. Đó không chỉ là nỗi đau về thể xác, danh dự mà còn là cú sốc về tinh thần.
Như trường hợp vừa xảy đến với N.T.Q.N, HS lớp 6 ở Tây Ninh, với thành tích 5 năm liền là HS giỏi. Em đã hoảng sợ tột độ khi kể cho tôi nghe vụ việc. Trước đó, N. bị 3 HS lớp trên thay phiên đánh dã man bằng nón bảo hiểm; bị dọa đánh tiếp nếu kể cho người lớn. Thế nên N. vẫn giấu chuyện cho đến khi đoạn clip xuất hiện trên
mạng xã hội vài ngày sau đó, N. mới dám thừa nhận mình bị đánh rất nhiều và đang bị đau đầu.
Chúng ta thường nói về việc phối hợp “3 bên”, gồm: gia đình – nhà trường – xã hội, như “kiềng ba chân” trong việc quản lý, giáo dục HS. Để xảy ra nạn HS hư, hẳn trong 3 cái “kiềng” ấy, không thể vô can.