Thầy giáo Nguyễn Văn Lực cho rằng không thể cấm học sinh dùng điện thoại trong giờ học, thậm chí cần khuyến khích, bởi đó là tất yếu khi công nghệ phát triển.
Thầy Nguyễn Văn Lực là giáo viên trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa. Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, thầy Lực chia sẻ quan điểm về việc cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học.
Ngày 15/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 32, quy định nếu được giáo viên cho phép và để phục vụ học tập, học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại di động và các thiết bị khác trong giờ học. Văn bản này thay đổi so với Thông tư 12 năm 2011, cấm học sinh dùng điện thoại di động, máy nghe nhạc trong giờ học dưới mọi hình thức.
Thông tư 32 thật sự đã làm nóng câu chuyện về sử dụng điện thoại trong giờ học nhiều ngày qua. Dù đồng tình hay phản đối, các ý kiến đều viện dẫn những lý do mà xét ở khía cạnh nào đó đều đúng.
Tôi cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho học sinh dùng điện thoại trong giờ nếu được giáo viên cho phép và phục vụ học tập là tất yếu khách quan cần được khuyến khích, giúp các em nhanh chóng cập nhật, tiếp cận tri thức của nhân loại.
Điện thoại là phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, giúp kết nối thế giới và con người gần nhau hơn. Đây là sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật để phục vụ cuộc sống con người. Chính vì lẽ đó, điện thoại là công cụ học tập tiện ích.
Những phát minh khoa học kỹ thuật, trong đó có điện thoại, đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, chúng ta cũng lợi dụng sự tiến bộ này để thực hiện mục đích riêng, chẳng hạn tạo ra vũ khí, chất nổ. Đó là hệ quả ngoài mong muốn với mỗi phát minh.
Với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, nếu không nắm bắt và tiếp cận, chúng ta sẽ trở nên lạc hậu. Chính phủ và ngành giáo dục không thể đứng ngoài tiến bộ chung của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, nhất là trong giáo dục đào tạo.
Tuy nhiên, như đã đề cập, việc sử dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào mục đích gì mới là quan trọng. Nếu học sinh dùng điện thoại để tra cứu tìm kiếm giải quyết vấn đề phục vụ cho bài học thì rất bổ ích.
Vậy vì sao có ý kiến phản đối việc sử dụng điện thoại trong giờ học? Theo tôi, đó là vì chúng ta sợ không kiểm soát được việc liệu học sinh có dùng để phục vụ học tập hay không. Ngoài ra, nhiều thầy cô sợ phá vỡ nền nếp, phương pháp học truyền thống “thầy nói trò nghe, thầy giảng trò ghi” bao lâu nay. Nói cách khác, thầy cô lo không quản lý được lớp khi cho các em dùng điện thoại trong giờ, nhất là khi học sinh có thể ghi âm, quay phim, chụp ảnh, lướt web…
Để giúp học trò có kỹ năng dùng điện thoại khai thác kiến thức, đồng thời giải tỏa băn khoăn của thầy cô, phụ huynh và học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên hướng dẫn thực hiện việc này một cách thống nhất. Tôi cho rằng nếu cho các em dùng điện thoại, cần tuân thủ một số quy định.
Thứ nhất, khi sử dụng điện thoại nên tổ chức theo phương pháp thảo luận nhóm, thường là 4-6, giáo viên sẽ dễ dàng kiểm soát việc sử dụng của các em. Khi thảo luận, thầy cô cũng cần quy định thời gian dùng điện thoại cụ thể, khoảng 5-15 phút, nhằm hạn chế việc các em rảnh rỗi, làm việc riêng. Khi hết thời gian, các nhóm phải báo cáo kết quả thảo luận, đồng thời cất điện thoại.
Thứ hai, thầy cô nên xây dựng quy chế sử dụng điện thoại trong giờ, nếu học sinh nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc để các em dần hình thành thói quen chấp hành tốt nội quy.
Nguyễn Văn Lực