Cho trẻ bắt đầu sớm, thuê người giúp việc biết ngoại ngữ, tìm kiếm học liệu trên Internet… là cách giúp con bạn thành thạo ngoại ngữ.
1. Bắt đầu sớm
Theo nghiên cứu của tạp chí Scientific American, khả năng tiếp thu ngoại ngữ của trẻ sẽ giảm đi từ năm 10 tuổi. Trước năm 10 tuổi là khoảng thời gian lý tưởng để trẻ học ngoại ngữ và có thể tiếp thu nhanh nhất. Vì vậy, cha mẹ nên cho con bắt đầu càng sớm càng tốt.
Từ khi vài tuần tuổi, trẻ đã phân biệt được ngôn ngữ, dù chưa thể nói ra nhưng có thể tiếp nhận rất nhanh. Trẻ càng được tiếp xúc ngôn ngữ sớm, càng có nhiều thời gian để thực hành.
Ảnh: Shutterstock |
2. Thuê người trông trẻ không nói tiếng mẹ đẻ
Martha Abbott, giám đốc điều hành của Hội đồng giảng dạy ngoại ngữ Mỹ, tư vấn nếu cha mẹ chỉ nói một ngôn ngữ thì có thể cho trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ mới theo cách tự nhiên thông qua những người trông trẻ biết ngoại ngữ hoặc người bản ngữ. Khi chăm sóc trẻ, cha mẹ hãy yêu cầu người trông trẻ sử dụng ngoại ngữ.
Nhờ người trông trẻ, trẻ được tiếp xúc với ngoại ngữ như cách tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ. Họ dành thời gian vui chơi, trò chuyện với trẻ, khiến các em thấy thoải mái, tự nhiên, từ đó có thể nhanh chóng tiếp thu ngôn ngữ mới.
3. Video và âm nhạc
Chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ nên dễ dàng tìm kiếm nguồn tài liệu học ngoại ngữ trên Internet. Bạn có thể tìm video hoạt hình dành cho trẻ em trên Youtube Kids. Hiện tại, một số chương trình hoạt hình nổi tiếng như Puppy Dog Pals (Những người bạn cún con), Peppa Pig (Chú heo Peppa) có sẵn trên Youtube với 21 ngôn ngữ gồm tiếng Anh, Trung Quốc, Hà Lan.
Phụ huynh đừng lo con không thể hiểu hết nội dung chương trình. Mục đích chính khi trẻ xem những bộ phim này là tiếp nhận âm thanh và làm quen với ngoại ngữ.
Xem quá nhiều video sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ, vì vậy phụ huynh có thể thử thêm âm nhạc. Trẻ rất thích giai điệu và ca hát, có xu hướng hát theo hoặc chú tâm đến bài hát. Bạn nên lựa chọn những bài hát có ca từ đơn giản, dễ hiểu, giai điệu bắt tai hoặc tìm danh sách bài hát thiếu nhi bằng ngoại ngữ mà trẻ học.
Ngoài ra, phụ huynh có thể tìm kiếm chương trình truyền hình nước ngoài, sách truyện song ngữ (nếu trẻ đã biết đọc tiếng mẹ đẻ) hoặc các chương trình giáo dục ngoại ngữ trực tuyến.
4. Giáo viên bản ngữ
Khi con lớn hơn và làm quen với ngoại ngữ, cha mẹ hãy thuê giáo viên bản ngữ hoặc đưa trẻ đến học ở trung tâm ngoại ngữ. Lắng nghe thôi là chưa đủ, trẻ cần luyện nói và thực hành ngôn ngữ mình tiếp nhận suốt thời gian trước đó.
Bước đầu học nói vô cùng quan trọng, quyết định cách trẻ sử dụng ngôn từ nên nếu được tiếp cận người bản ngữ có khả năng phát âm chuẩn xác, trẻ sẽ học được cách nói chuyện như họ. Ví dụ, với việc học tiếng Anh, phụ huynh có thể lựa chọn giáo viên người Anh, người Mỹ hoặc người Australia.
Với những gia đình có điều kiện, phụ huynh có thể đăng ký cho con theo học trường mẫu giáo song ngữ. Tại đó, trẻ không chỉ được học ngoại ngữ mà có thể chơi đùa, luyện tập cùng các bạn thường xuyên để sử dụng ngoại ngữ nhuần nhuyễn và tự tin hơn.
5. Luyện tập tại nhà
Sau một ngày học ở trung tâm hoặc tại trường mẫu giáo, trẻ nên được củng cố kiến thức bằng sách bài tập, ứng dụng học ngoại ngữ tại nhà hoặc các nguồn tài liệu khác. Phụ huynh có thể tham gia học và chơi cùng con. Trẻ em thường bắt chước cha mẹ, vì vậy nếu con thấy bạn thích học ngoại ngữ, các bé sẽ làm theo. Việc bạn có phát âm đúng từ hay dùng có đúng ngữ pháp không đều không thành vấn đề. Điều quan trọng là bạn ở bên cạnh cùng con tham gia các hoạt động, từ đó thúc đẩy sự hào hứng, phấn khích giúp trẻ học tốt hơn.
Tú Anh (Theo Offspring, Little London)