HomeTài chính - Ngân hàng‘Khoảng trống’ truyền thông trên thị trường chứng khoán

‘Khoảng trống’ truyền thông trên thị trường chứng khoán

‘Khoảng trống’ truyền thông trên thị trường chứng khoán

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Nhiều doanh nghiệp niêm yết tận dụng lợi thế hoạt động truyền thông đến các nhà đầu tư (IR) để tăng cường huy động vốn đáng kể từ thị trường trong và ngoài nước, nhưng cũng có những doanh nghiệp chẳng mấy quan tâm đến hoạt động này.

Chưa tới một nửa doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin

https://www.thesaigontimes.vn/
Ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tại TPHCM. Ảnh: V.S.

Hoạt động IR tốt giúp cải thiện huy động vốn

Hoạt động truyền thông đến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán (IR) không phải là khái niệm mới trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn đó những “khoảng trống”.

“Khoảng trống truyền thông tài chính khiến giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp có nền tảng tốt chưa phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp”, ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TPHCM chia sẻ tại buổi lễ Vinh danh doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất 2020 (IR Awards) do Vietstock phối hợp với Báo Tài chính và Cuộc sống đồng tổ chức.

Theo Vụ trưởng Lê Nhị Năng, thanh khoản cổ phiếu thấp do chưa thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư là một trong những thực trạng mà các doanh nghiệp niêm yết hiện nay cần chú trọng thay đổi.

Trên thị trường chứng khoán Việt có hàng ngàn cổ phiếu đang niêm yết và đăng ký giao dịch, nhưng theo dữ liệu thống kê của Vietstock thì có gần một nửa cổ phiếu niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX và khoảng 2/3 cổ phiếu trên sàn UPCoM (788 mã) có khối lượng giao dịch bình quân qua 1 năm dưới 10.000 cổ phiếu/phiên. Trong đó, sàn giao dịch HNX có 5 mã và UPCoM có 137 mã có khối lượng giao dịch là “số 0 tròn trĩnh”, ông Năng chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động IR theo nhiều phương thức khác nhau. Có doanh nghiệp tổ chức bộ phần riêng, lịch trình rõ ràng, có doanh nghiệp thuê ngoài từ các công ty chứng khoán, nhưng cũng không thiếu các công ty chưa thực sự phân bổ nguồn lực vào IR hoặc chưa quan tâm.

Hoạt động IR tốt sẽ góp phần thu hút vốn nhà đầu tư cả nội lẫn ngoại, trường hợp Novaland là một ví dụ. “IR đóng vai trò là cầu nối thông tin vững chắc kết nối Tập đoàn và các nhà đầu tư tiềm năng”, bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Thị trường vốn và Quan hệ Nhà đầu tư của Novaland chia sẻ quan điểm.

Ở góc độ của quỹ đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Liên doanh Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Vietcombank (VCBF), cho rằng doanh nghiệp không làm tốt IR sẽ dẫn tới tình trạng thiếu hụt thông tin về doanh nghiệp, mức định giá doanh nghiệp sẽ giảm. “Các nhà đầu tư cần tiếp cận nguồn tin chính thống, mức độ tin cậy cao”, ông Linh nhìn nhận.

Hoạt động IR cũng thay đổi theo xu hướng phục vụ cho nhu cầu của các nhà đầu tư. Điển hình như câu chuyện ESG (môi trường – xã hội – quản trị) hiện là tiêu chuẩn được dùng để đánh giá công ty khá phổ biến với các quỹ đầu tư ngoại, bên cạnh các yếu tố kinh doanh phổ biến thông thường.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức – Phát triển khách hàng tổ chức Công ty chứng khoán SSI, có đến khoảng 60% dòng vốn quốc tế yêu cầu tiêu chuẩn này ở thị trường các nước. “Điều này cũng tạo lên áp lực thay đổi cho các công ty Việt Nam”, ông Đức nói.

 

https://www.thesaigontimes.vn/
Tỷ lệ đạt chuẩn công bố thông tin của các doanh nghiệp niêm yết có xu hướng cải thiện tích cực hơn trước. Nguồn: Vietstock

 

Khoảng một nửa số doanh nghiệp đạt Chuẩn công bố thông tin 2020

Doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin là doanh nghiệp không vi phạm bất kỳ điều khoản nào trong bộ tiêu chí khảo sát công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, được quy định trong Thông tư 155/2015 của Bộ Tài chính.

Báo cáo khảo sát toàn diện trong giai đoạn 12 tháng (từ đầu tháng 5-2019 đến cuối tháng 4-2020) của Vietstock cho thấy, số lượng doanh nghiệp niêm yết tuân thủ đúng và đầy đủ về nghĩa vụ công bố thông tin trên cả hai sàn chứng khoán (HOSE và HNX) là 329 doanh nghiệp.

Như vậy, số doanh nghiệp đạt chuẩn chỉ chiếm tỷ lệ 45,13%, nhưng tăng đáng kể so với con số 3% vào năm 2011.

“Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang ngày càng đáp ứng tốt hơn nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định, là nền tảng cơ bản thể hiện việc đối xử công bằng với cổ đông và cộng đồng đầu tư”, đại diện ban tổ chức chương trình IR Awards nhìn nhận.

Dù chưa tới một nửa doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin, tuy nhiên thị trường vẫn ghi nhận sự thay đổi đáng kể trong hoạt động IR ở các doanh nghiệp trong thời gian qua.

Với vai trò là đơn vị tổ chức khoảng 500-600 cuộc hẹn giữa quỹ đầu tư và công ty niêm yết hàng năm, Công ty chứng khoán SSI đánh giá hoạt động IR đã cải thiện rõ ràng trong 5 năm vừa rồi. “Các doanh nghiệp đã tiến bộ hơn trong IR. Có những công ty thậm chí tiệp cận với IR trong khu vực”, ông Đức của SSI cho biết.

https://www.thesaigontimes.vn/
Thế Giới Di Động, VinHomes và Vinamilk được 28 định chế tài chính đánh giá cao hoạt động IR trong nhóm doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn trên thị trường. Ảnh: BTC.

Theo khảo sát của chương trình IR Awards năm 2020, các nhà đầu tư đánh giá nhóm các doanh nghiệp niêm yết có hoạt động tốt trong năm bao gồm 3 nhóm doanh nghiệp phân theo giá trị vốn hóa. Cụ thể nhóm vốn hóa lớn gồm Hòa Phát, Novaland, Vinamilk; nhóm vốn hóa vừa là Đất Xanh (DXG), Chứng khoán TPHCM (HSC), Hoa Sen (HSG); nhóm vốn hóa nhỏ là Digiworld (DGW), Tập đoàn MBG (MBG), Nafoods (NAF).

Trong khi đó, nhóm 28 định chế tài chính thì đánh giá cao ở các công ty như Thế Giới Di Động, VinHomes, Vinamilk (nhóm vốn hóa lớn); Tập đoàn Đất Xanh, Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Dầu khí (PVD), Đầu tư Văn Phú – Invest (nhóm vốn hóa vừa); và Công ty cổ phần CIC39 (mã C32), Digiworld và MGB (nhóm vốn hóa nhỏ).

Kết quả khảo sát đạt chuẩn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán nằm trong chương trình thường niên IR Awards, do Vietstock và Báo Tài  chính và Cuộc sống đồng tổ chức, nhằm đánh giá toàn diện về hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) của các doanh nghiệp niêm yết hằng năm; bao gồm thống kê khảo sát thực tế, mở bình chọn công khai cho cộng đồng nhà đầu tư và đánh giá chuyên môn từ các định chế tài chính chuyên nghiệp. Năm 2020 là năm thứ 10 chương trình được thực hiện.



Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img