Nhiều lỗi từ khâu làm bài đến nộp bài
Ngoài ra, do trục trặc và lỗi trên hệ thống nên một số học sinh đăng nhập đúng và đầy đủ thông tin nhưng hệ thống lại báo “chúng tôi phát hiện tài khoản của bạn đang thi kỳ thi này ở một thiết bị khác” dù kiểm tra lại thì học sinh khẳng định đang chỉ làm bài tại một thiết bị duy nhất.
Có trường hợp đăng nhập để làm bài thi thì lại nhận được thông báo hệ thống đang “bảo trì”, “nâng cấp”…, ngược lại có học sinh đang làm bài kiểm tra rồi nhưng hệ thống lại báo học sinh đó chưa đăng nhập để làm bài,…
Nhiều học sinh thậm chí còn chạy ra quán cà phê hoặc sang nhà hàng xóm… để làm bài vì tưởng mạng nhà mình gặp sự cố nhưng ngồi ở đâu cũng gặp vấn đề tương tự.
Chưa hết, nhiều giáo viên phản ánh, khi giờ kiểm tra kết thúc thì rất nhiều học sinh của trường gặp những lỗi không thể khắc phục được: lỗi không nộp được bài và lỗi không xem được kết quả kiểm tra.
Để khắc phục tình trạng này, mỗi trường có cách xử lý khác nhau, nơi thì báo với Sở GD-ĐT cho học sinh làm lại bài, nơi thì để nguyên tình trạng như vậy và chấp nhận học sinh chưa có kết quả bài kiểm tra đó. Dù vậy, khi làm lại bài, học sinh cho biết các em cũng chỉ làm “qua loa” cho xong vì tâm lý không tốt.
Nhiều học sinh và phụ huynh chia sẻ với Thanh Niên băn khoăn: không hiểu vì sao kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay Bộ GD-ĐT vẫn quy định thi trên giấy theo cách truyền thống mà Sở GD-ĐT Hà Nội lại khảo sát tới 3 đợt trên máy cho học sinh lớp 12?
Thực tế nữa mà nhiều phụ huynh phản ánh là do kết quả của các bài khảo sát này không được sử dụng như bài kiểm tra định kỳ hay cuối kỳ nên học sinh không thật sự nghiêm túc và tập trung làm bài. Do vậy, kết quả chắc chắn sẽ không phản ánh đúng thực tế chất lượng học tập của học sinh nên nếu mục tiêu kiểm tra để biết học sinh đó học thế nào thì khó ra được kết quả đúng.
Nhiều học sinh lớp 12 chia sẻ mong muốn, Sở nên giảm bớt đợt khảo sát trên máy và thay vào đó kiểm tra một vài đợt tập trung như hình thức thi thử, có số báo danh, có giám thị, chia phòng… như quy chế thi thật để học sinh làm quen với “không khí phòng thi”, chuẩn bị tốt về tâm thế, kỹ năng tham gia kỳ thi này.
|
Sở GD-ĐT sẽ rút kinh nghiệm
Trao đổi với báo chí ngày 30.5, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết để việc khảo sát đạt hiệu quả cao nhất, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các nhà trường rà soát công tác chuẩn bị, tổ chức họp với cha mẹ học sinh để bố trí thiết bị, giám sát học sinh trong quá trình làm bài.
Sở đã tiến hành chạy thử ở một số trường, tuy nhiên, khi tổ chức trên diện rộng với 73.000 học sinh ở cùng một thời điểm, việc trục trặc đường truyền khó tránh khỏi. Ngoài ra, việc lỗi phông chữ, trục trặc đường truyền còn do cấu hình thiết bị của học sinh không tương thích; đường truyền kết nối mạng ở một số địa bàn, nhất là ở khu vực ngoại thành, chưa bảo đảm…
Ông Quang cũng khẳng định, đây không phải là kỳ thi thử tốt nghiệp THPT, mà là kỳ khảo sát chất lượng với mục đích chính là đánh giá chất lượng dạy học và có kế hoạch điều chỉnh phù hợp nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thông qua kết quả kiểm tra, các em tự xác định được những phần kiến thức còn hạn chế để bổ sung và cố gắng.
Như Thanh Niên đã thông tin, để chuẩn bị cho học sinh lớp 12 năm học 2019 – 2020 đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) sẽ tổ chức 3 lần kiểm tra khảo sát chất lượng đối với lớp 12 trên phần mềm mang tên Hanoi study.
Cụ thể, lần thứ nhất diễn ra vào các ngày 29, 30 và 31.5. Lần thứ hai vào các ngày 19, 20 và 21.6. Lần thứ ba vào các ngày 10, 11 và 12.7. Đề thi do Sở GD-ĐT Hà Nội biên soạn theo cấu trúc đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT công bố. Mỗi đợt kiểm tra, khảo sát sẽ được tiến hành như quy định của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, do kiểm tra trên máy nên không có môn ngữ văn (môn duy nhất của kỳ thi tốt nghiệp theo hình thức tự luận).
|