Cuộc vận động “DN, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” lần đầu tiên được Đảng và Nhà nước tổ chức với quy mô lớn và rộng khắp để lắng nghe ý kiến từ mọi khu vực DN với tinh thần xóa bỏ mọi rào cản bất hợp lý trong phát triển sản xuất kinh doanh và lấy DN là mục tiêu, trung tâm của các cơ chế, chính sách. Cuộc vận động do Ban Kinh tế T.Ư chủ trì. Thời gian tiếp nhận góp ý, đề xuất diễn ra từ ngày 3.9 – 31.12.2019.
Sau gần 1 tháng phát động, hiện đã có hàng loạt DN chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để tham gia cuộc vận động.
|
Để có được một hãng bay, Tập đoàn FLC phải trải qua không ít quy trình, thủ tục. Song, theo Tổng giám đốc Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung, kết quả đó tất cả bắt đầu từ sự mở đường của chủ trương, của Nghị quyết T.Ư 10. “Doanh nghiệp (DN) tư nhân đã có một môi trường cởi mở hơn để tham gia mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế thị trường, đặc biệt ở nhiều lĩnh vực mà trước đây chỉ có DN nhà nước (DNNN) hoặc những DN có vốn đầu tư nước ngoài tham gia. Chúng tôi hoàn toàn tự tin có thể tham gia vào những dự án quy mô, phức tạp, góp phần phát triển đất nước”, bà Dung chia sẻ.
Tuy nhiên, dù Nghị quyết T.Ư 10 đã thay đổi nhận thức đối với vai trò của kinh tế tư nhân nhưng thực tế vẫn còn sự bất bình đẳng. “Khi DN tư nhân làm ăn thua lỗ, sẽ lập tức phá sản, trong khi DNNN sẽ được tái cơ cấu, giãn nợ… Điều đó khiến nợ công ngày càng tăng cao. Hay về cơ chế, chính sách với DN tư nhân cũng chưa được đảm bảo sự công bằng nếu so với DNNN. DN tư nhân khó khăn hơn rất nhiều trong việc tiếp cận các nguồn lực như vốn, đất đai”, Tổng giám đốc FLC nói thêm.
Từng tham gia nhiều diễn đàn nhưng theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, tính hiệu quả của việc góp ý ở nhiều lần trước đây không được như mong muốn. Với cuộc vận động lần này, theo ông Đoàn, quan trọng là khai thác “mỏ vàng” kiến thức của DN như thế nào? Bên cạnh những ý kiến chung, nếu có thể đóng góp ý kiến theo mảng ngành nghề sẽ cụ thể hơn, thiết thực hơn.
“Với Tập đoàn Phú Thái, hoạt động chính trong lĩnh vực phân phối bán lẻ, đầu tư, chúng tôi thấy rằng thủ tục đầu tư là vấn đề mấu chốt. Đơn cử như cung cấp mặt bằng xây dựng trung tâm phân phối bán lẻ. Theo quy định, các tỉnh yêu cầu phải đấu thầu. Như vậy các DN phân phối bán lẻ phải dồn rất nhiều nguồn lực để mua đất. Đây là một trong những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển mạng lưới của các DN bán lẻ VN”, ông Đoàn nói. Do vậy, nếu được cởi trói bởi sự thông thoáng của chính sách hoặc có chính sách được xây dựng trên cơ sở các DN ngành nghề đó đề xuất trong từng giai đoạn mà Chính phủ có thể giải quyết kịp thời thì sức bật của DN sẽ rất tốt.
Cần sự thông thoáng và luật lệ minh bạch