Internet Explorer – ‘ông hoàng’ một thời của thế giới trình duyệt

Bước ngoặt đánh dấu sự phát triển của Internet Explorer là năm 1999 khi IE 5.0 ra mắt cùng Windows 98 SE và chiếm 80% thị phần duyệt web.

Những năm 1990, Microsoft là tập đoàn công nghệ thao túng toàn bộ thế giới. Công ty do Bill Gates lãnh đạo đã đánh bại tất cả đối thủ, thiết lập một đế chế phân phối phần mềm cho gần như mọi PC. Thập kỷ này cũng chứng kiến nhu cầu truy cập Internet tăng cao, dù lúc ấy mới chỉ 1% dân số thế giới kết nối mạng.

Tất cả bắt đầu vào năm 1995, khi ấy Microsoft đang nghiên cứu đồng thời một dự án tên mã Chicago với một dự án tên mã O’Hare. Dự định ban đầu của công ty là kết hợp hai công nghệ vào thành một sản phẩm duy nhất. Nhưng cuối cùng hãng này đã quyết định phát triển thành hai phần mềm. Chicago là Windows 95, một trong những hệ điều hành thành công nhất của Microsoft. O’Hare là mật danh của trình duyệt đầu tiên của hãng: Internet Explorer 1.0.

Windows 95 phát hành tháng 8/1995 là một trong những hệ điều hành đầu tiên có thể kết nối Internet nhờ công cụ IE 1.0. Dù được tạo ra để chạy trên Windows 95, IE 1.0 vẫn không thể vượt qua Navigator của Netscape.

Không giống các trình duyệt khác trên thị trường, Internet Explorer không được xây dựng theo chuẩn thiết kế World Wide Web Consortium (W3C). Điều này khiến trình duyệt của Microsoft hiển thị một số trang web khác với các trình duyệt còn lại. Các nhà phát triển những năm đó phải tùy chỉnh trang web của họ để có thể hoạt động tốt trên các nền tảng trình duyệt khác nhau.

Giao diện hệ điều hành Windows95.

Giao diện hệ điều hành Windows95.

Bước ngoặt đánh dấu sự bành trướng của Microsoft là phiên bản Internet Explorer 4.0 được cài sẵn trong Windows. Thay vì sử dụng trình duyệt của Netscape và mất 49 USD, người dùng Windows kể từ năm 1997 đã có thể truy cập Internet nhờ IE miễn phí.

IE 5.0 chính thức ra mắt cùng Windows 98 Second Edition (SE) vào tháng 9/1999. Với IE 5.0, Microsoft đã giới thiệu các XMLHttpRequest (XHR) và HTML Application (HTA). Suốt từ phiên bản IE3 đến IE5, Microsoft đã tận dụng tất cả nguồn lực của mình để sáng tạo và đã phát triển nhanh hơn đối thủ Netscape. Các phiên bản Internet Explorer thời kỳ này có nhiều tính năng hơn, được nâng cấp thường xuyên hơn và tốt hơn hẳn sản phẩm của Netscape. Năm đó, IE 5 đã chiếm 80% thị phần trình duyệt web, phần lớn nhờ tích hợp IE vào Windows.

Điều này đã khiến Bộ Tư pháp Mỹ mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Microsoft. Thẩm phán thậm chí đã yêu cầu chia nhỏ công ty, đồng thời cho rằng việc cung cấp IE miễn phí là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Mặc dù sau đó không bị chia nhỏ công ty, Microsoft phải tuân thủ một số quy định nghiêm ngặt, trong đó, hãng phải mở mã nguồn Windows cho các nhà phát triển phần mềm khác thông qua Giao diện lập trình ứng dụng (API). Lệnh của tòa án khiến Microsoft mất vị thế kiểm soát hệ sinh thái PC.

Internet Explorer 6 phát hành cùng Windows XP năm 2003 đã giúp IE chiếm gần 90% thị phần duyệt web. Tuy nhiên, IE6 cũng là trình duyệt tai tiếng nhất của Microsoft.

Năm 2004, Cơ quan ứng cứu khẩn cấp máy tính Mỹ US-CERT công bố báo cáo bảo mật về những lỗ hổng của IE và khuyên người dùng không nên sử dụng IE 6.0. Vấn đề khiến Microsoft đau đầu với phiên bản này là nó không chịu “chết”. Nhiều tổ chức lớn trên thế giới đã đầu tư rất nhiều tiền vào việc xây dựng phần mềm tương thích với IE6 nên họ không chịu nâng cấp lên phiên bản IE mới hơn. Kết quả là đến năm 2014, Microsoft mới chấm dứt hỗ trợ IE6 sau 10 năm.

Trong suốt 5 năm sau đó, gã khổng lồ phần mềm không hề mang tới một cải tiến đáng chú ý nào cho trình duyệt này. Firefox xuất hiện thời gian này và được coi là chuẩn mực mới của trình duyệt máy tính.

Internet Explorer 8 ra mắt năm 2009, đánh dấu việc Microsoft lần đầu sử dụng tiêu chuẩn thiết kế web W3C. Đến lúc Internet Explorer có vẻ bắt kịp với xu hướng, các đối thủ đã có sức ảnh hưởng quá lớn trên thị trường. Việc Google tung ra Chrome năm 2008 đã khuấy đảo thị trường trình duyệt. Trong 5 năm tiếp theo, Google thống trị thị trường, trong khi Internet Explore chiếm chưa đến 30% thị phần. Ngày nay, thị phần của nó là 1%.

Mặc dù ngày nay Internet Explorer bị thế giới công nghệ chế nhạo, thậm chí bị coi là “trình duyệt dùng để tải trình duyệt khác”, không thể phủ nhận vai trò của nó trong những ngày đầu tiên của web. Internet Explorer 3 gắn liền với CSS – ngôn ngữ bổ trợ cho HTML, cho phép các nhà thiết kế web tách rời nội dung web (HTML) và giao diện (CSS).

Internet Explorer đã mang tới rất nhiều tính năng tân tiến, như Java Applet hay ActiveX controls. Đến phiên bản thứ 4, Microsoft ra mắt bộ render engine (dựng hình trang web) có tên Trident, giúp nhà phát triển chèn giao diện duyệt web vào bên trong ứng dụng. Microsoft còn phát minh ra Ajax cho phép thay đổi một phần, thay vì toàn bộ trang web, bằng cách truy xuất và lấy thông tin mới từ máy chủ. Gần như 100% các trang web và dịch vụ dữ liệu mạng đều sử dụng Ajax, bao gồm Gmail, Facebook và YouTube.

Trình duyệt Internet Explorer chuẩn bị biến mất sau 25 năm. Ảnh: Wired.

Trình duyệt Internet Explorer chuẩn bị biến mất sau 25 năm. Ảnh: Wired.

Năm 2014, Microsoft đã xác nhận ý định gỡ bỏ thương hiệu Internet Explorer và chuyển dần sang trình duyệt mới Spartan. Ngày 29/7/2015, trình duyệt mới Microsoft Edge được phát hành cùng Windows 10. Tuy nhiên, ngay cả khi thị phần Windows 10 tiếp tục tăng, lưu lượng truy cập từ Microsoft Edge vẫn thấp.

Dù rất nỗ lực cải tiến chất lượng của Edge, nó vẫn không thu hút được số lượng người dùng như Microsoft mong muốn. Cuối cùng, hãng quyết định bỏ EdgeHTML để phát triển một trình duyệt khác dựa trên nền mã nguồn mở Chromium của Google.

Đầu năm nay, Microsoft công bố trình duyệt Edge dựa trên nhân Chromium cùng một loạt tính năng mới, bao gồm tiện ích mở rộng, chủ đề và tab dọc của Chrome, vốn bị thiếu trước đây. Hãng phần mềm này cũng xác nhận sẽ không còn hỗ trợ Internet Explorer và Edge thế hệ cũ.

Đăng Thiên (theo Livemint.com)

Nguồn bài viết

Bài trướcHàng trăm hộ dân phản ánh số điện tăng bấ‌t thường
Bài tiếp theoCô giáo lái xe đến từng nhà dạy học sinh