Hiện nay, xu hướng sản xuất – kinh doanh ngày càng hướng tới các tiêu chí đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh nhưng không gây hại đến môi trường đang trở nên phổ biến hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chú trọng hơn đến việc sản xuất – kinh doanh các dòng sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.
Quy trình sản xuất trứng gà hiện đại tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc). Ảnh: Hoàng Hải
Điều này góp phần tạo nên lợi thế để cạnh tranh, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng và đáp ứng thị hiếu tiêu dùng “xanh” trong những năm gần đây.
* Đầu tư cho sản xuất “xanh”
Việc đầu tư dây chuyền, thiết bị sản xuất, đóng gói theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường đang được nhiều doanh nghiệp trong nước quan tâm trước sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, cũng như để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao trong thời hội nhập.
Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica cho hay, công ty chú trọng mô hình sản xuất, đóng gói theo xu hướng sản xuất sạch, an toàn, sử dụng nhiều hơn các hương liệu tự nhiên, nguyên liệu từ những loại đặc sản vùng miền cho các sản phẩm.
Từ đó, công ty hướng tới các sản phẩm đáp ứng thị hiếu về tiêu dùng “xanh”, cũng như tạo ra đặc trưng riêng cho các loại bánh, kẹo của công ty để nâng cao tính cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập cùng loại. Mới đây nhất, công ty đã đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất bánh hiện đại theo các tiêu chuẩn của châu Âu và Mỹ tại tỉnh Long An vào đầu tháng 10 vừa qua.
Theo đại diện của Công ty cổ phần Lothamilk (TP.Biên Hòa), vào cuối năm 2018, công ty chính thức đưa vào hoạt động nhà máy chế biến sữa theo công nghệ châu Âu ở phường Tam Phước (TP.Biên Hòa). Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 của nhà máy là 400 tỷ đồng với công suất đạt gần 30 ngàn tấn sữa/năm. Đây là dây chuyền sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe về độ béo, độ khô, hàm lượng vi sinh…, sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường.
Ông Vũ Thanh Tân, Trưởng phòng Truyền thông của hệ thống siêu thị BigC nhận định, hiện nay nhiều thương hiệu Việt được bày bán ở các siêu thị của BigC ngày càng quan tâm tới xu hướng tiêu dùng xanh, sạch. Trong đó, các loại bánh kẹo, đặc sản vùng miền sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, xu hướng cung cấp những sản phẩm organic, các loại rau hữu cơ… ngày càng trở nên phổ biến.
* Khuyến khích nhân rộng
Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai chia sẻ, việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa dạng hóa các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ góp phần nêu cao nhận thức của người tiêu dùng về tính an toàn, đảm bảo vệ sinh…
Sản phẩm phôi đệm tại Công ty cổ phần sản xuất – thương mại Bogo (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Hoàng Hải
Sự đa dạng này cần phù hợp với xu hướng chung của thị trường, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Từ đó người tiêu dùng sẽ quan tâm và sử dụng nhiều hơn sản phẩm Việt trong bối cảnh thị trường nội địa ngày càng cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Ông Phan Văn Thiện cho biết thêm, Bibica đang giảm dần việc sử dụng bao bì ny-lông để đóng gói sản phẩm và thay bằng các loại bao bì giấy thân thiện với môi trường. Hơn 1 năm qua, công ty còn triển khai chương trình đổi bao bì đã sử dụng, tích điểm cho khách hàng tại các điểm bán để thu gom về xử lý, tái chế các bao bì này, vừa tăng thêm lợi ích cho khách hàng, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Theo nhiều doanh nghiệp, trên thực tế để sản xuất đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng xanh, sạch là không dễ bởi chi phí sản xuất cao, khó khăn về nguồn nguyên liệu, một số loại sản phẩm từ tự nhiên thường có mẫu mã ít bắt mắt hơn các sản phẩm cùng loại được sản xuất theo kiểu đại trà…
Do đó, cần có thêm những chính sách, chương trình hỗ trợ, khuyến khích để doanh nghiệp địa phương, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển thêm các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, có lợi cho người tiêu dùng…
Ông Nguyễn Tân Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thế Giới Dinh Dưỡng – Nutriworld (trụ sở tại huyện Thống Nhất) – công ty chuyên cung cấp các sản phẩm nấm mèo đóng gói – cho hay, trong thời gian qua, công ty chú trọng sử dụng các phương pháp sơ chế theo tự nhiên, không tác động hóa chất vào quá trình sản xuất. Riêng đối với bao bì sản phẩm, khoảng 6 tháng nay, công ty đã triển khai sử dụng bao bì giấy. Chi phí sản xuất của công ty khi sử dụng các phương án sản xuất xanh tăng lên
10-15% so với quy trình sản xuất như trước đây.
Ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tỉnh (Ban Chỉ đạo 264 tỉnh) chia sẻ, nhu cầu sử dụng các loại sản phẩm, thực phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng các nguyên liệu, hương liệu tự nhiên, hạn chế dùng chất bảo quản, phụ gia… của người tiêu dùng ngày càng cao.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 264 tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích các mô hình sản xuất xanh, sạch trên địa bàn tỉnh, cũng như phát triển trào lưu thân thiện với môi trường, sức khỏe của người tiêu dùng…
Chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ đề ra các nhiệm vụ chiến lược gồm: xanh hóa sản xuất, thực hiện chiến lược công nghiệp hóa sạch thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; khuyến khích phát triển công nghệ xanh, nông nghiệp xanh.
Đồng thời, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, kết hợp lối sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại. Trong đó, chỉ tiêu đến năm 2020, cả nước phấn đấu đạt giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP khoảng từ 42-45%, tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường là 80%…