Mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước
thông tin Trường đại học Y dược TP.HCM dự kiến áp dụng mức thu học phí cao, trong đó có ngành lên tới 70 triệu đồng/năm, với sinh viên khóa mới (vào trường năm 2020).
Trao đổi với Thanh Niên sáng 5.6, ông Ngô Vũ Thắng, Trưởng phòng Tài chính sự nghiệp (Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế), cho biết cá nhân ông chỉ nắm được thông tin này sau khi
đọc báo.
Ông Thắng giải thích: “Trường đại học Y dược TP.HCM là trường được phép tự chủ về chi thường xuyên, vì thế, trường không cần phải báo cáo Bộ Y tế khi xây dựng mức thu học phí.
Tuy nhiên, do có việc
dư luận bàn tán về mức học phí này, Bộ Y tế đã yêu cầu trường giải trình, trong đó có căn cứ việc xây dựng mức học phí này, bao gồm bảng định mức kinh tế khi xây dựng giá từng ngành học”.
Ông Thắng cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ có văn bản gửi Bộ GD-ĐT để làm rõ xem các trường được tự chủ chi thường xuyên sẽ xây dựng mức học phí thế nào, bởi hiện nay việc cơ sở
giáo dục xây dựng giá học phí được thực hiện theo Thông tư 14 Bộ GD-ĐT ban hành năm 2018, trong đó quy định chi tiết định mức kinh tế – kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ đào tạo.
Ngay cả với các cơ sở đào tạo thuộc lĩnh vực
sức khỏe, Bộ GD-ĐT cũng là cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất lộ trình điều chỉnh mức học phí bao gồm chi phí đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe theo quy định tại Nghị định 111 Chính phủ ban hành tháng 10.2017.
Theo ông Thắng, trong 11 trường đào tạo y dược trực thuộc Bộ Y tế, có 2 đơn vị được quyền tự chủ với các mức độ khác nhau. Cụ thể, Trường đại học Y dược Cần Thơ được tự chủ từ năm 2018 theo Nghị quyết 77 ban hành năm 2014 của
Thủ tướng Chính phủ; Trường đại học Y dược TP.HCM được tự chủ chi thường xuyên từ năm 2020 theo luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018.
Với các trường
thực hiện tự chủ tài chính hoặc tự chủ chi thường xuyên, học phí sẽ được trường tự xây dựng mức giá trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật do trường ban hành.
Với những trường sử dụng ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên, học phí vẫn được thực hiện theo Nghị định 86 mà Chính phủ ban hành năm 2015, trong đó quy định mức trần học phí đối với từng khối ngành đào tạo. Các trường sẽ căn cứ vào các quy định trong đó để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, nhưng không được vượt quá mức trần.
Trường đại học Y dược Cần Thơ cũng được thực hiện thí điểm tự chủ từ năm học 2017 – 2018, là một trong 24 trường được thực hiện thí điểm tự chủ (trong giai đoạn trước khi có luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018) theo Nghị quyết 77 Chính phủ ban hành năm 2014.
Theo đề án tuyển sinh năm 2020 nhà trường mới công bố, mức học phí bình quân tối đa theo Quyết định 455/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của chương trình đại trà là 24,6 triệu đồng/năm. Mức học phí đối với diện đào tạo theo nhu cầu xã hội trên cơ sở ký kết đào tạo với UBND các tỉnh vẫn thực hiện theo Nghị định 86.
|