Người dùng bức xúc khi sau giãn cách xã hội, hãng điện lực độc quyền của Malaysia thu tiền điện gấp đôi, thậm chí gấp ba thông thường.
Nash, một tài khoản người Malaysia viết trên Twitter sau khi nhìn số tiền điện phải đóng trong tháng này: “Thật điên rồ! Tại sao hoá đơn điện có thể nhảy vọt lên hơn 1.300 ringgit, gần gấp ba so với các tháng trước”. Người này bất bình vì thói quen sử dụng điện của nhà anh không có gì khác so với mấy tháng trước nhưng tiền điện vọt lên bất thường.
Tương tự Nash, nhiều người Malaysia khác cũng bức xúc khi số tiền điện phải đóng trong tháng 6 cao gấp đôi thậm chí gấp ba so với tháng trước đó dù không có thói quen bất thường hay dùng điện nhiều hơn. Nhiều người đặt ra câu hỏi, có sự nhầm lẫn hay gian lận nào đó ở đây.
Amera, một người đang sống ở KualaLumpur, viết trên Twitter rằng thậm chí nửa tháng gần đây thường xuyên đến công ty, ít khi có mặt tại nhà nhưng tiền điện vẫn tăng gấp rưỡi so với tháng trước.
Trước sự bức xúc của hàng loạt hộ dân, Bộ trưởng Năng lượng và Tài Nguyên của Malaysia cho biết, cùng với Uỷ ban Năng lượng đã triệu tập ban lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn TNB để làm rõ vấn đề. TNB sẽ xem xét lại cơ chế của họ để giải quyết các khiếu nại của người dùng.
Mới đây, ông Datuk Seri Mahdzir Khalid, chủ tịch của hãng điện lực duy nhất tại Malaysia là Tập đoàn TNB vừa lên tiếng. Ông lý giải, hoá đơn tiền điện tháng 6 thực ra gồm cả “tiền điện còn thiếu chưa đóng” của các tháng trước do hãng không đo được đồng hồ từ ngày 18/3 khi giãn cách xã hội. Vì thế, các hoá đơn tiền điện đóng vào tháng 3, tháng 4 và tháng 5 mà TNB đã thu chỉ là con số ước tính dựa trên lịch sử dùng điện của họ.
Theo lý giải của ông, trong thời gian giãn cách xã hội ở nước này (18/3 – 9/6), mọi người làm việc và dành gần như toàn bộ thời gian tại nhà. Vậy nên, các ước tính cho hoá đơn mà người dân đã trả từ tháng 3 đến tháng 5 thường thấp hơn so với con số thực tế họ phải đóng.
Sau khi đo đạc lại, hoá đơn của tháng 6 (sau giãn cách xã hội) sẽ phải gánh thêm phần thiếu chưa đóng trong ba tháng trước.
Năm ngoái, TNB cũng chịu nhiều chỉ trích khi người dân giận dữ với các hoá đơn tiền điện tăng vọt vào tháng 5 và tháng 6. Cuối tháng 5/2019, hơn 500 người đã tập trung tại trụ sở của Tập đoàn TNB để yêu cầu được giải thích cho các hoá đơn tiền điện cao bất thường.
Một trong hơn 500 người này là ông Pok Awe chon (72 tuổi) đang sống cùng 5 người thân trong nhà, cho biết ông rất sốc khi nhận hoá đơn tiền điện vào ngày 14/4. “Tôi chỉ phải trả 300 ringgit mỗi tháng và chưa bao giờ nợ tiền điện, nhưng hoá đơn ngày 14/4, tôi phải trả tới 2.334 riggit”, ông nói.
Chủ tịch TNB sau đó thừa nhận họ gặp phải sự cố kỹ thuật trong hệ thống thanh toán từ ngày 15-20/5. “Tôi thừa nhận rằng có lỗi tại thời điểm đó và hệ thống không hoạt động, một số dữ liệu không được tính vào”, ông nói.
Tập đoàn này sau đó đã lập một Lực lượng đặc nhiệm do Giám đốc bán lẻ của TNB dẫn đầu để xử lý và giải quyết các phản ánh về hoá đơn. Những phát sinh vượt mức sử dụng của người dùng sẽ được TNB hoàn trả.
Khi đó, bà Yeo Bee Yin, Cựu Bộ trưởng Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi Khí hậu khẳng định: “Trước hết, hãy liên lạc với TNB để yêu cầu giải đáp thắc mắc của bạn. Nếu bạn không được TNB đối xử công bằng, bất kể bạn có ‘bị trộm cắp điện hay không’, hãy khiếu nại lên Uỷ ban Năng lượng”.
Sau các cuộc điều tra, Uỷ ban Năng lượng đã phạt TNB 3,6 triệu ringgit (850.000 USD) do không tuân thủ hướng dẫn của Uỷ ban Năng Lượng về thời gian gửi hoá đơn cho khách hàng. Kết luận của Uỷ ban Năng Lượng cho biết, TNB cần đảm bảo mỗi người dùng nhận hoá đơn tiền điện vào hàng tháng.
Quỳnh Trang (theo New Straits Times, Malaysia Mail, FMT News)