Không ngừng nỗ lực với vai trò là “đại sứ” bảo hiểm, anh Phan Văn Nho (Giám đốc văn phòng Tổng Đại lý Prudential tại Lâm Đồng và Tp.HCM), chị Lê Thị Duy Hạnh (GĐ VP TĐL Prudential tại Hà Nội) và anh Khuất Thành Dũng (GĐ VP TĐL Prudential tại Hà Nội) đã miệt mài truyền đam mê, tâm huyết đến các thế hệ tư vấn viên kế cận. Qua 20 năm gắn bó, họ đã chia sẻ chân tình về những thách thức đã vượt qua và khao khát lan toả những giá trị nhân văn của bảo hiểm đến gần hơn với mỗi gia đình Việt.
Đối mặt với ánh mắt thiếu thiện cảm về bảo hiểm nhân thọ ở thời điểm mới vào nghề, các anh/chị đã nỗ lực như thế nào để khách hàng nhận ra giá trị thiết thực của bảo hiểm và trở thành những tư vấn viên tận tâm phục vụ khách hàng?
Anh Nho: Năm 2000 tôi trở thành tư vấn viên bảo hiểm và cũng là thời điểm tôi quyết định bỏ dở chương trình cao học ngành Quản trị Kinh doanh để toàn tâm toàn ý theo nghề. Lúc bấy giờ, gia đình và bạn bè đều phản đối mạnh mẽ bởi trong mắt họ một người giỏi giang và có vị trí trong cơ quan nhà nước như tôi không nên làm bảo hiểm. Thời điểm ấy, giá trị của bảo hiểm chưa được hiểu một cách đúng đắn do còn quá mới mẻ, người dân có tâm lí e ngại, từ chối bảo hiểm. Những người tư vấn viên tiên phong như chúng tôi thời đó càng cần phải bản lĩnh, tự tin và kiên trì mới có thể chinh phục được khách hàng. Trải qua một thời gian dài khó khăn, dần dần khách hàng thay đổi cách nhìn và suy nghĩ về bảo hiểm, tin tưởng hơn vào anh em tư vấn viên.
Chị Hạnh: Việc tư vấn viên phải đối mặt với lời cự tuyệt từ khách hàng là chuyện rất bình thường mà hầu như ngày nào chúng tôi cũng gặp, nhất là vào những năm đầu tiên bảo hiểm đến Việt Nam. Điều đầu tiên chúng tôi cần làm là xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng, vì chỉ khi tôn trọng họ mới lắng nghe bạn. Sau đó, bước đặt câu hỏi để tìm hiểu hoàn cảnh, điều kiện của khách hàng về tài chính, con cái, cách sống… là rất quan trọng. Qua đó, người tư vấn viên có thể nắm bắt nhu cầu, mục tiêu, khả năng chi trả của khách hàng để đưa ra giải pháp tài chính phù hợp. Đặc biệt là sự kiên trì cũng rất cần thiết, tôi từng có những khách hàng sau 2,3 năm mới đồng ý ký hợp đồng vì họ muốn thử thách xem liệu tư vấn viên có nhiệt tình, có đáng tin cậy không.
Chị Lê Thị Duy Hạnh (GĐ VP TĐL Prudential tại Hà Nội)
Anh Dũng: Với tôi, việc giúp khách hàng thay đổi tư duy, chủ động xây dựng kế hoạch dự phòng tài chính trước những rủi ro và hiện thực hóa các kế hoạch tương lai là cách giúp các gia đình nâng cao nhận thức và hiểu đúng về vai trò và ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ.
Đứng trước không ít khó khăn và thách thức, tại sao các anh/chị vẫn quyết tâm gắn bó với nghề và với Prudential?
Chị Hạnh: Đây là công việc đầy thách thức nhưng rất thăng hoa vì nó giúp tôi phát triển bản thân, mở rộng các mối quan hệ xã hội và xây dựng sự nghiệp. Tôi tự hào vì mình đã quyết định sáng suốt khi chuyển sang nghề tư vấn bảo hiểm và lựa chọn Prudential. Ở đây, tôi được trang bị kiến thức, kĩ năng áp dụng trong kinh doanh và quản lý để đạt mục tiêu, đồng thời tôi cũng học được cách đối nhân xử thế.
Anh Dũng: Thứ nhất, công việc này và sản phẩm bảo hiểm đều rất nhân văn, giúp các gia đình Việt có tương lai tài chính ổn định. Thứ hai, Prudential giúp tôi có sự nghiệp và điều kiện tài chính tốt hơn. Thứ ba, tôi có thể hỗ trợ nhiều tư vấn viên khác thay đổi cuộc sống và thành công. Thứ tư, công việc tư vấn không gò bó về thời gian và được tưởng thưởng xứng đáng với nỗ lực mình bỏ ra.
Anh Khuất Thành Dũng (GĐ VP TĐL Prudential tại Hà Nội)
Dựa trên kinh nghiệm của mình, các anh/chị nhận thấy đâu là phẩm chất quan trọng ở những tư vấn viên giỏi?
Anh Dũng: Đó là yêu nghề và yêu sản phẩm bảo hiểm, đồng thời tận tâm chăm sóc, hỗ trợ khách hàng như người nhà, mang quyền lợi đến cho khách hàng.
Chị Hạnh: Ngoài những yếu tố kể trên, làm việc theo kế hoạch, mục tiêu và kiên trì theo đuổi mục tiêu đó cũng là yếu tố then chốt giúp người tư vấn viên thành công.
Anh Nho: Tư vấn viên cần có 5 chữ T: tay nghề, thời gian, thái độ, thể lực và tâm. Với chữ T thứ nhất, làm lĩnh vực nào phải giỏi lĩnh vực đó mới thành công được. Ở chữ T thứ hai, tư vấn viên phải hiểu được thời gian vô cùng quý giá và cần chủ động biến thời gian thành vàng bạc. Trong chữ T thứ ba, thái độ cực kỳ quan trọng và mang tính quyết định đến 80% bởi khi hiểu được giá trị của công việc, mình càng tự tin và bản lĩnh. Chữ T thứ tư quan trọng vì sức khỏe đương nhiên cần thiết. Chữ T thứ năm chính là “cái tâm”, là “nhạc trưởng” cho 4 chữ T còn lại.
Ngoài ra, người tư vấn giỏi là người nắm chắc quy luật của nhà nông khi áp dụng vào công việc tư vấn. Đó là “có gieo thì mới có gặt”, nhưng quá trình từ khi gieo đến gặt cần có thời gian – đòi hỏi sự kiên nhẫn, và gieo 10 nhưng sẽ không bao giờ gặt được cả 10.
Anh Phan Văn Nho (Giám đốc văn phòng Tổng Đại lý Prudential tại Lâm Đồng và Tp.HCM)
Nhìn lại những nỗ lực trong 20 năm gắn bó với nghề, các anh/chị nghĩ mình cùng các đồng nghiệp đã đem đến những giá trị nào cho khách hàng?
Chị Hạnh: Chúng tôi mang tới kế hoạch bảo vệ, dự phòng tài chính hiệu quả để khách hàng an tâm tận hưởng cuộc sống, đồng thời sẻ chia với những gia đình không may gặp rủi ro, mất mát. Có thể nói, bảo hiểm là cầu nối gắn kết chúng tôi, giúp tư vấn viên và khách hàng trở thành những người bạn đồng hành thân thiết.
Anh Nho: Lúc mới bước chân vào nghề tư vấn, tôi làm là để có thu nhập tốt. Nhưng sau đó, tôi nhận ra rằng mình cùng đồng đội nỗ lực thay đổi nhận thức về bảo hiểm nhân thọ của người dân và xã hội mới là động lực to lớn thúc đẩy chúng tôi làm việc. Tham gia bảo hiểm là một cách “tiết kiệm khôn ngoan” mà các nước văn minh đã thực hiện vài trăm năm qua. Nếu mỗi người dân Việt đều có kế hoạch tài chính rõ ràng như thế, biết ý thức tiết kiệm trước – tiêu xài sau, thì gia đình họ sẽ an tâm trước những bất trắc có thể xảy ra. Khi đã tự tin vào giá trị nhân văn của bảo hiểm, tư vấn viên càng có động lực gắn bó với nghề, với khách hàng.