HomeStartupHà Tĩnh 'đau đầu' tìm cách bảo tồn di tích xuống cấp...

Hà Tĩnh ‘đau đầu’ tìm cách bảo tồn di tích xuống cấp | Văn hóa

Theo thống kê của Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 2 di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 82 di tích lịch sử văn hóa xếp hạng cấp quốc gia và 506 di tích lịch sử văn hóa xếp hạng cấp tỉnh, hầu hết các di tích đều đã hàng trăm tuổi.
Trải qua thời gian, nhiều di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, được chính quyền địa phương phối hợp với đơn vị quản lý huy động kinh phí trùng tu nhiều lần nhưng vẫn không ngăn được tình trạng hư hỏng.

Mới đây, trước sự xuống cấp đáng báo động của di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đình Hội Thống (thôn Phú Quý, xã Xuân Hội, H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh), chính quyền xã đã phải làm tờ trình gửi cấp trên xin kinh phí để tôn tạo, sửa chữa. Tuy nhiên, do phải chờ cơ quan quản lý về thẩm định, xét duyệt nên ngôi đình hơn 350 tuổi mang kiến trúc độc đáo của thời Nguyễn này vẫn chưa được sửa chữa.

Cụ Nguyễn Văn Đào (80 tuổi, người trông coi đình Hội Thống) cho biết đình được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1995 và nhiều lần được chính quyền địa phương cho trùng tu.

Tuy nhiên, do thời gian cộng với sự tác động của thời tiết và việc duy tu không được thường xuyên nên nhiều hạng mục của đền vốn hư hỏng từ trước, nay càng xuống cấp hơn.

“Hầu như toàn bộ kết cấu của đình đã bị xuống cấp. Nghiêm trọng nhất là phần mái ngôi nhà hạ điện bị võng xuống do hệ thống kèo bị mối mọt và các cột trụ chịu lực bị nứt giữa thân do quá lâu đời. Các hạng mục quan trọng này có thể đổ sập bất cứ lúc nào nên rất cần được tu sửa sớm”, ông Đào lo lắng nói.

Một di tích khác cũng đang “kêu cứu” vì sự xuống cấp là đình làng Trường Lưu ở thôn Tân Tiến, xã Kim Song Trường, H.Can Lộc. Đình làng này được xây dựng cách đây hơn 300 năm trước, đến năm 2008 thì được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Quốc Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Kim Song Trường, cho hay hệ thống xà gồ, kèo và các cột bằng gỗ mít bị mục không còn khả năng chống đỡ khiến phần mái bị nghiêng ra phía sau. Vào những ngày trời mưa, đình bị dột khắp nơi do mái ngói bị vỡ, thủng nhiều chỗ. Người dân cũng đã tìm cách khắc phục nhưng chỉ là biện pháp tạm thời.

Đình làng Trường Lưu là nơi người dân thường hay lui tới để sinh hoạt văn hóa tâm linh và là nơi đang lưu giữ tấm bia lưu danh nhiều con em trong làng đỗ đạt tiến sĩ dưới thời Hậu Lê và Triều Nguyễn. Từ khi đình làng bị xuống cấp, người dân cũng đã nhiều lần đề nghị sửa chữa nhưng do không có kinh phí nên xã chưa thể thực hiện được”, ông Sơn nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tùng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh), cho hay hầu như năm nào tỉnh Hà Tĩnh cũng trích ngân sách 10 tỉ đồng để tu bổ, tôn tạo lại các di tích lịch sử văn hóa đang bị xuống cấp. Tuy nhiên, mỗi năm có đến khoảng 50 – 60 di tích cần được sửa chữa nên ngân sách duy tu phải chia nhỏ ra.

“Để tu bổ các di tích có hiệu quả thì ngoài ngân sách của tỉnh cấp cho, đơn vị quản lý cần huy động thêm nguồn xã hội hóa và đóng góp của người dân. Tuy nhiên, đây cũng là bài toán khó vì hầu như địa phương nào cũng đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc duy tu phải đảm bảo giữ được nguyên bản khiến công tác bảo tồn tăng thêm phần khó khăn”, ông Lĩnh nói.

Theo ông Lĩnh, bên cạnh yếu tố về thời gian, tác động của thiên tai khiến các di tích xuống cấp thì một phần là do đơn vị được quản lý còn thiếu quan tâm trong việc bảo quản. Đặc biệt là một số di tích dường như bị lãng quên, cả năm chỉ mở cửa được một vài lần và ít có du khách lui tới.




Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img