HomeStartupGrab và Gojek bơm tiền giữ chân tài xế

Grab và Gojek bơm tiền giữ chân tài xế

Nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh, khiến cuộc sống của nhiều tài xế lái xe công nghệ trở nên khó khăn. Amir, sống tại Indonesia chạy xe cho ứng dụng Gojek cho biết, anh không thể trả tiền thuê nhà và đang tính đến chuyện chuyển đi hoặc cắt giảm tiền ăn hàng ngày. “Thu nhập của tôi giờ chỉ còn 30.000 rupiad (khoảng 45.000 đồng), bằng một phần ba so với thời gian trước khi dịch bệnh diễn ra”, Amir chia sẻ. 

Tại Singapore và Malaysia, nơi Grab khởi đầu và đặt trụ sở, chính phủ đều yêu cầu người dân ở trong nhà. Ở Indonesia, quê hương của Gojek, Tổng thống Joko Widodo ban hành lệnh cấm đi lại. 

Tính đến cuối tháng 3, số người sử dụng dịch vụ gọi xe của Grab giảm 24% và Gojek là 11%. Tuy nhiên, thay vì nỗ lực cắt giảm chi phí và nhân sự, cả hai công ty đều chạy đua triển khai hàng loạt chương trình nhằm giúp đỡ và duy trì đội ngũ lái xe. 

Grab cho biết đã chi khoảng 40 triệu USD cho các hoạt động hỗ trợ tài xế trong đó bao gồm cả việc giảm 30% phí thuê xe tại Singapore. Ở Đông Nam Á, công ty này hỗ trợ tiền mặt cho các tài xế bị nhiễm Covid-19 hoặc phải cách ly.      

Các tài xế chạy xe Gojek tại thủ đô Jakarta của Indonesia.

Các tài xế chạy xe Gojek tại thủ đô Jakarta của Indonesia.

Cùng lúc, Gojek cũng công bố một quỹ hỗ trợ trị giá 100 triệu rupiah (khoảng 6,38 triệu USD), được huy động từ sự đóng góp 1/4 thu nhập năm của các lãnh đạo cấp cao. Quỹ này trợ cấp cho các tài xế trong khu vực về mặt y tế hoặc lương thực. Công ty này cho biết, từ ngày 7/4, họ tặng một triệu coupon ăn uống tại một số quán ăn, nhà hàng cho đội ngũ tài xế tại Jakarta. 

Nikkei nhận định, Grab và Gojek buộc phải thực hiện hàng loạt chương trình hỗ trợ lái xe vì đây là lực lượng nòng cốt, hình thành nên các dịch vụ xương sống là dịch vụ gọi xe và sau đó mở rộng dần sang dịch vụ giao nhận, thanh toán trực tuyến. Nếu không hỗ trợ họ trong thời kỳ suy thoái, Gojek và Grab sẽ đối mặt với nguy cơ bị mất đội ngũ tài xế và không có triển trọng tăng trưởng trở lại trong tương lai. 

Một yếu tố khác buộc hai công ty đẩy mạnh rót tiền chính là trách nhiệm xã hội. Họ phải duy trì việc làm cho hàng triệu người. Gojek và Grab sở hữu 2 triệu lái xe. Cả hai đều giữ hình ảnh là một đơn vị tạo ra việc làm cho xã hội. Theo Nikkei, ngay cả khi dịch bệnh không xảy ra, nguồn thu từ chạy xe công nghệ vốn không được tài xế xem là thu nhập ổn định. Vì vậy, trong giai đoạn này, Grab và Gojek đều không thể quay lưng lại với đội ngũ lái xe của mình.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuter vào cuối tháng 3, Andre Soelistyo – CEO Gojek cho biết: “Các chương trình hỗ trợ tài xế đều sẽ giúp công ty tạo đà đón nhận sức bật của thị trường khi dịch bệnh qua đi và nhu cầu di chuyển tăng trở lại. Tuy nhiên, tình hình hiện tại cũng khiến các dự án dài hạn trở nên không chắc chắn”. 

Grab và Gojek đều là hai siêu kỳ lân  Đông Nam Á. Năm ngoái, Gojek nhận 1,6 triệu tiền vốn Alphabet của Google, Grab cũng không kém cạnh khi huy động được 2,1 tỷ USD từ các nhà đầu tư lớn, trong đó có Softbank. Đại dịch lan rộng khiến bức tranh đầu tư mạo hiểm đang bị lật ngược. Với hoài nghi về triển vọng tăng trưởng và kinh doanh có lãi của Grab và Gojek, khả năng gọi vốn có thể giảm đần khi dịch bệnh kéo dài. Tin đồn về việc sát nhập hai công ty đã xuất hiện, song cả hai đều lên tiếng phủ nhận. 

Thảo Miên (Theo Nikkei)

Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img