Gói thầu bảo hiểm công trình có giá hơn 314 tỷ đồng thuộc Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 chỉ có sự tham gia của 3 nhà thầu Singapore nộp hồ sơ dự thầu (HSDT). Các nhà bảo hiểm trong nước không thể tiếp cận vì những tiêu chí, yêu cầu mà PVGas đưa ra quá ngặt nghèo và không thể đáp ứng được.
Các nhà bảo hiểm trong nước không thể tiếp cận vì những tiêu chí, yêu cầu mà PVGas đưa ra quá ngặt nghèo và không thể đáp ứng được. Ảnh minh họa
Theo phản ánh của một số nhà thầu, nhà thầu Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được gói thầu này nhưng Tổng công ty Khí Việt Nam – PVGAS (chủ đầu tư) và Ban Quản lý dự án Khí Đông Nam Bộ (bên mời thầu) lại tổ chức đấu thầu quốc tế gói thầu này; xây dựng tiêu chí hồ sơ mời thầu (HSMT) để lựa chọn nhà thầu là doanh nghiệp tái bảo hiểm, nhưng doanh nghiệp tái bảo hiểm không ký hợp đồng với chủ đầu tư mà lại chỉ định một doanh nghiệp bảo hiểm trong nước để ký hợp đồng.
Nội dung chính của gói thầu là cung cấp dịch vụ bảo hiểm xây dựng lắp đặt, trong đó có thiệt hại vật chất và trách nhiệm đối với bên thứ ba cho dự án gồm: phần xây dựng trên biển (đường ống biển) và phần xây dựng trên bờ (đường ống bờ). Gói thầu sử dụng nguồn vốn vay của PVGAS, được đấu thầu rộng rãi quốc tế theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ.
Được biết, thời gian qua, các công ty bảo hiểm trong nước đã thực hiện bảo hiểm cho rất nhiều dự án lớn với số tiền bảo hiểm trên 1 tỷ USD trong mọi lĩnh vực từ xây dựng, tài sản đến hàng không, vệ tinh… Vì vậy, đối với gói thầu bảo hiểm hơn 300 tỷ đồng nói trên, các công ty bảo hiểm trong nước có đủ khả năng để thực hiện bảo hiểm cho công trình. Việc áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu cho gói thầu này trong khi các nhà thầu trong nước có khả năng đáp ứng làm mất đi cơ hội của nhà thầu trong nước.
Theo quy định tại Điều 12, Luật Kinh doanh bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm. Điều đó có nghĩa hợp đồng này phải được doanh nghiệp bảo hiểm ký kết với bên mua bảo hiểm (chủ đầu tư), kể cả trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm chuyển một phần trách nhiệm mà doanh nghiệp đã nhận bảo hiểm. Trong khi đó, HSMT gói thầu trên được xây dựng để lựa chọn nhà thầu là doanh nghiệp tái bảo hiểm, nhưng doanh nghiệp tái bảo hiểm này lại không ký hợp đồng với chủ đầu tư mà lại chỉ định một doanh nghiệp bảo hiểm trong nước ký hợp đồng với chủ đầu tư.
Một số tiêu chí trong HSMT đối với công ty bảo hiểm trong nước đã được điều chỉnh song vẫn hạn chế sự tham gia của nhà thầu trong nước. Trong một văn bản trả lời kiến nghị của nhà thầu vào ngày 5/11/2019, Ban Quản lý dự án khí Đông Nam Bộ cho rằng: Dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh là dự án có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật và có nhiều rủi ro, đặc biệt là phần thi công, chôn tuyến ống dẫn khí dài khoảng 117 km ngầm dưới biển và công tác thi công khoảng 38 km tuyến ống trên bờ bên cạnh các tuyến ống hiện hữu. Sở dĩ hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi quốc tế vì đến nay, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước không đủ năng lực tài chính cung cấp dịch vụ bảo hiểm (tự đưa ra điều kiện, điều khoản bảo hiểm và chào tỷ lệ phí bảo hiểm) cho dự án.
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 42 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP, các công ty bảo hiểm trong nước tại Việt Nam không được giữ lại quá 10% vốn chủ sở hữu đối với 1 đơn vị rủi ro. Hiện nay, công ty bảo hiểm Việt Nam có vốn chủ sở hữu lớn nhất là Bảo hiểm Bảo Việt với 2.785 tỷ đồng, tương đương khoảng 119 triệu USD nên mức giữ lại 10% vốn chủ sở hữu chỉ tương đương với khoảng 2,23% rủi ro của dự án và TOP 5 công ty bảo hiểm có vốn chủ sở hữu hàng đầu thị trường Việt Nam nếu liên danh cũng chỉ đạt mức giữ lại khoảng 9,11% rủi ro của dự án. Bên cạnh đó, theo Ban Quản lý dự án khí Đông Nam Bộ, năng lực và Kinh nghiệm của các nhà thầu trong nước trong lĩnh vực bảo hiểm gần như không đáp ứng được yêu cầu về thực hiện hợp đồng tương tự với gói thầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho mọi rủi ro trong xây dựng lắp đặt dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2.
Luật sư phạm Hồng Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư phạm Sơn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, Ban QLDA Đông Nam Bộ đã hiểu sai bản chất các quy định của pháp Luật, vận dụng các quy định của pháp Luật một cách chưa triệt để. Cụ thể, Luật sư Sơn phân tích: Nếu coi đấu thầu tái bảo hiểm là đấu thầu quốc tế, thì nhà tái bảo hiểm trúng thầu phải ký hợp đồng trực tiếp với Ban QLDA ĐNB.
Vậy, nếu Ban QLDA ĐNB ký hợp đồng với nhà tái bảo hiểm trúng thầu thì sẽ ký với nhà tái nào? Trường hợp Ban quản lý ký hợp đồng với nhà bảo hiểm gốc trong nước là vi phạm Khoản 35, Điều 4, Luật Đấu thầu. Trường hợp Ban quản lý ký hợp đồng với nhà tái Leader hoặc với tất cả các nhà tái là vi phạm Khoản 2, Điều 90, Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 quy định: “Đối tượng sử dụng dịch vụ bảo hiểm cung cấp qua biên giới là doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 49% vốn điều lệ và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam”; Điều 27, Luật Kinh doanh bảo hiểm…
Trường hợp Ban Quản lý ký hợp đồng với tất cả các nhà tái bảo hiểm và nhà bảo hiểm gốc được chỉ định theo HSMT là vi phạm khoản 35, Điều 4, Luật đấu thầu và khoản 2, Điều 90, Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016. Về năng lực các nhà thầu trong nước: Để kết luận các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước không có đủ năng lực mà bỏ qua quy định tại Mục 2 Chương III Thông tư số 14 cũng quy định: “Đối với các công việc đặc thù hoặc ở các địa phương mà năng lực của nhà thầu trên địa bàn còn hạn chế, có thể yêu cầu giá của hợp đồng tương tự trong khoảng 50%” là một sai sót cơ bản trong hoạt động xây dựng HSMT; đồng thời việc hiểu về mức trách nhiệm giữ lại theo Khoản 2 Điều 42, Nghị định 73/2016/NĐ-CP là sai cơ bản, can thiệp vào hoạt động Kinh doanh của công ty bảo hiểm.
Theo các nhà thầu, việc Ban Quản lý đánh giá các công ty bảo hiểm trong nước không đủ Kinh nghiệm và năng lực cung cấp dịch vụ bảo hiểm đối với dự án năng lượng là một trong những cách nhìn phiến diện, chủ quan, thiếu thông tin và sai thực tế. Nhiều nhà thầu đề nghị, để đảm bảo cho việc lựa chọn nhà thầu của gói thầu này tuân thủ đúng quy định của pháp Luật về đấu thầu và Luật Kinh doanh bảo hiểm thì phải thay đổi hình thức đấu thầu từ đấu thầu rộng rãi quốc tế để lựa chọn nhà thầu là doanh nghiệp tái bảo hiểm sang đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà thầu là công ty bảo hiểm gốc.