Bác sĩ Nguyễn Thị Hà Tiên, Khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Q.4 (TP.HCM), cho biết theo các nghiên cứu trên
thế giới cũng như ở Việt Nam thì tỷ lệ học sinh bị
cong vẹo cột sống khá cao.
Các nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống là do ngồi học không đúng tư thế, bàn ghế không phù hợp với chiều cao của học sinh, đeo cặp sách quá nặng, không đều hai bên…
Theo bác sĩ Tiên, cong vẹo cột sống sẽ ảnh hưởng tới sự vận động của hệ thống cơ xương, gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ do dị dạng thân hình. Bên cạnh đó, cong vẹo cột sống làm lệch trọng tâm cơ thể, khiến học sinh ngồi học không được ngay ngắn. Ngoài ra, cong vẹo cột sống còn ảnh hưởng đến hoạt động của tim, phổi và ảnh hưởng đến phát triển khung chậu.
“Cần phải đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, chú ý đến những
thức ăn giàu canxi. Luyện tập thể dục
thể thao đều đặn, ngồi học ngay ngắn, đúng tư thế. Không nên ngồi học quá lâu mà cần có thời gian nghỉ giải lao giữa giờ. Lớp học, góc học tập cần đảm bảo chiếu sáng đầy đủ. Bàn ghế, bảng phải có kích thước phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học. Đặc biệt không nên mang vác
cặp sách quá nặng… Cha mẹ nên có kế hoạch khám
sức khỏe định kỳ cho con”, bác sĩ Tiên khuyên.