Vẫn là thi trên giấy và có thể thí điểm thi trên máy
|
Cũng theo báo cáo đề xuất của Bộ, hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn là thi trên giấy; đồng thời triển khai thí điểm để mở rộng dần thi trên máy tính. Đối với thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm, kết quả của đợt thi nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và có thể được các cơ sở giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu). Bộ sẽ tổ chức xây dựng và ban hành tiêu chuẩn tổ chức thi trên máy tính; tổ chức thẩm định và giám sát việc đảm bảo các quy định về tổ chức thi trên máy tính đối với các địa phương đáp ứng tiêu chuẩn.
Bộ GD-ĐT có nên tiếp tục ra đề?
Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục TP.Hà Nội, thành viên tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục, cho rằng định hướng về kỳ thi là đúng nhưng giao cho địa phương theo hướng phân cấp, phân quyền trong tổ chức thi, còn việc ra đề thi Bộ vẫn nên chịu trách nhiệm trong 1 – 2 năm tới.
Theo ông Tùng Lâm, việc ra đề theo hướng chuẩn hóa, xây dựng đề dựa trên ma trận, đặc tả không thể nói là làm ngay được mà cần có nhân lực được đào tạo, tập huấn bài bản, cần có đủ thời gian chuẩn bị để mỗi địa phương có ngân hàng đề thi đủ lớn. “Năng lực ra đề không đồng đều ở các nhà trường, địa phương thì không thể dùng kết quả ấy để xét công nhận tốt nghiệp và có thể cả tuyển sinh ĐH, CĐ được vì đó là kết quả phản ánh không chính xác”, ông Tùng Lâm nói.
|
Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), cũng cho rằng Bộ vẫn nên đảm nhận việc ra đề thi trong giai đoạn chuyển tiếp này. Ông Ngọc đánh giá cao cách ra đề thi năm 2020 và cho rằng đó là hướng đi đúng với mục tiêu của kỳ thi này.
“Nếu giao ngay cho các sở GD-ĐT thì có phải sở nào cũng đủ nguồn lực để làm hay không? Nếu Bộ đang sẵn ngân hàng câu hỏi, đang sẵn nguồn lực để ra đề thì tại sao phải giao cho địa phương ra đề trong khi mục tiêu hướng tới là đề thi phải công bằng về độ khó, dễ trên cả nước?”, ông Ngọc nêu vấn đề.
Ông Ngọc cho rằng hoặc Bộ chịu trách nhiệm ra đề như hiện nay, hoặc các địa phương sử dụng ngân hàng đề do Bộ cung cấp.
Trong khi đó, ông Phạm Tất Thắng nhận định: “Nếu xác định rõ tính chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT, học gì thi nấy, kỳ thi đảm bảo kiến thức nằm trong chương trình giáo dục phổ thông nên việc ra đề với một kỳ thi như vậy về mặt chuyên môn không có khó khăn gì với ngành GD-ĐT các địa phương, từ việc tổ chức thi, ra đề thi, chấm thi… Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong kỳ thi này là tính khách quan, công bằng với thí sinh và giữa các thí sinh ở từng trường, từng địa phương nên cách thức, nội dung đề thi sẽ là “thước đo” để đo chất lượng giáo dục ở địa phương. Chỉ khi học sinh được đo cùng một loại thước thì mới ra một kết quả đúng được, không thể thi tốt nghiệp THPT mà đề thi tỉnh này lại dễ hơn tỉnh khác khi cả nước đều đang học cùng một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất”.
Không gây sốc cho học sinh
Tuy nhiên, ông Phạm Tất Thắng cũng cho rằng: việc thay đổi thi cử phải phù hợp với việc dạy học thực tế ở các trường THPT. Hiện nay, học sinh vẫn đang học chương trình giáo dục phổ thông cũ. Đến năm 2025, học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới hoàn thành chương trình lớp 12 theo hình thức cuốn chiếu. Do vậy, việc tổ chức thi giai đoạn 2021 – 2025, là giai đoạn chuyển tiếp giữa chương trình cũ và chương trình mới. Cũng có thể hiểu là giai đoạn chuyển tiếp giữa phương thức đánh giá cũ và mới. Đây là giai đoạn quan trọng để thay đổi về nhận thức, về quan niệm của học sinh, phụ huynh và xã hội về cách thức kiểm tra, đánh giá mới. Do vậy, thay đổi về thi cử làm sao phải phù hợp, không gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục phổ thông, không gây sốc cho học sinh và cho phụ huynh.
“Tuy nhiên, việc thay đổi dù không lớn cũng cần được Bộ sớm công bố để các nhà trường, mỗi học sinh sẽ tham dự kỳ thi này trong năm 2021 có sự chuẩn bị cần thiết, tránh những hoang mang, đồn đoán không đáng có”. (còn tiếp)
|