Giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đồng ý giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay về 2.100 đồng một lít đến hết năm 2020.

Chiều 14/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 46 thảo luận và đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng nhiên liệu bay.

Hiện mỗi lít xăng nhiên liệu bay chịu 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường, nên với tỷ lệ giảm 30%, mỗi lít xăng nhiên liệu bay sẽ chỉ phải chịu 2.100 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. Động thái này nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không trước tác động từ Covid-19.

Sau khi được thông qua hôm nay, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ có hiệu lực từ ngày ký đến hết năm 2020. Từ 1/1/2021 trở đi, mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay trở lại như cũ, 3.000 đồng một lít.

Kho xăng nhiên liệu bay của Petrolimex, chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: PLX

Kho xăng nhiên liệu bay của Petrolimex, chi nhánh Đà Nẵng. Ảnh: PLX

Theo tính toán, thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay hiện tương đương 22% chi phí xăng dầu của doanh nghiệp hàng không. Khi giá xăng dầu giảm sâu, tỷ lệ này có thể lên tới 50%.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, bà Vũ Thị Mai – Thứ trưởng Tài chính cho biết, giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, về mức 2.100 đồng một lít, sẽ làm số thu bảo vệ môi trường giảm 72-80 tỷ đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, việc giảm thuế này là cần thiết, giúp giảm bớt khó khăn cho ngành hàng không và gián tiếp một số lĩnh vực khác như thương mại, dịch vụ, du lịch…

“Giảm mức thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay sẽ trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp hàng không duy trì hoạt động, tăng doanh thu, bù đắp chi phí”, bà Mai nói.

Thẩm tra sau đó, ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính cho biết, có ý kiến cho rằng, mục tiêu của thuế bảo vệ môi trường là nhằm vào các sản phẩm, hàng hóa gây ảnh hưởng xấu đến môi trường để điều tiết, hạn chế tiêu dùng. Do đó, việc Chính phủ trình giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay là chưa phù hợp với mục tiêu của sắc thuế này. Vì thế, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần nghiên cứu, áp dụng các giải pháp khác như giảm thuế giá trị gia tăng, phí cất cánh, hạ cánh, cắt giảm các thủ tục hành chính trong kinh doanh vận tải hàng không, giảm lãi suất vay…

Tuy nhiên, sau nhiều thảo luận, ông Hải nói “đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay đến hết năm 2020”.

Nguồn bài viết

Bài trướcSoundMax trình làng headphone chơi game giá rẻ AH-328 | Công nghệ
Bài tiếp theoGần 11.000 học sinh Đồng Nai sẽ rớt lớp 10 công lập