Kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày 9 và 10-6 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã ra quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0-0,25% trong bối cảnh nền kinh tế hàng đầu thế giới được dự báo sẽ tiếp tục suy giảm tới cuối năm nay.
Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng trái chiều sau quyết định của FED.
Động thái của Ngân hàng trung ương Mỹ được xem như giải pháp hữu hiệu để đất nước này ổn định nền kinh tế, vượt qua những khó khăn chưa từng có do đại dịch Coѵīd-19.
Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Coѵīd-19 với hơn 2 triệu ca dương tính và số người tử vong cũng cao nhất thế giới (106.195 người tính đến 15h ngày 12-6). Theo FED, cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng do dịch Coѵīd-19 khiến tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát trong ngắn hạn gia tăng, đồng thời tạo ra những nguy cơ đáng kể cho triển vọng kinh tế trong trung hạn.
Các thành viên Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định lãi suất của FED cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở mức 9,3% trong năm 2020, giảm xuống 6,5% trong năm 2021 và 5,5% trong năm 2022. Nền kinh tế Mỹ cũng sẽ sụt giảm 6,5% trong năm 2020, sau đó khôi phục mức tăng trưởng 5% trong năm 2021 và 3,5% trong năm 2022.
Dự báo của FED được đưa ra sau một báo cáo về việc Mỹ có thêm 2,5 triệu việc làm trong tháng 5-2020, khiến ngân hàng này có cơ sở để tin rằng các biện pháp kích thích kinh tế đang phát huy hiệu quả. Trước đó, từ giữa tháng 3, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do Coѵīd-19, FED đã tung ra những biện pháp chưa từng có, bao gồm gói kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD để trợ giúp người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính quyền các tiểu bang, cũng như cắt giảm khẩn cấp lãi suất về mức xấp xỉ 0%. Lãi suất này được áp dụng cho các trường hợp vay mua nhà, thẻ tín dụng và nhiều khoản vay khác.
Giám đốc chiến lược thị trường Drew Matus của Công ty Quản lý đầu tư MetLife (Mỹ) nhận định, đến nay FED đã đáp ứng những gì thị trường muốn và cần. Lãi suất thấp cho phép các công ty vay mượn với chi phí thấp và điều này tốt cho thị trường chứng khoán. Phố Wall cũng kỳ vọng FED sẽ không điều chỉnh lãi suất trong ngắn hạn, tiếp tục tiến hành các chương trình cấp thanh khoản và cho vay đến khi “sức khỏe” nền kinh tế được hồi phục và thị trường tài chính vận hành trơn tru.
Sau thông báo quan trọng của FED, thị trường chứng khoán Mỹ đã có những phản ứng trái chiều. Chốt phiên giao dịch ngày 10-6, chỉ số Dow Jones và S&P 500 lần lượt giảm 1% và 0,5% song chỉ số Nasdaq lại tăng 0,7% lên mức 10.020,35 điểm, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử chỉ số này vượt mốc 10.000 điểm.
FED cũng tái khẳng định cam kết hồi tháng 4 về duy trì lãi suất cho đến khi tự tin rằng nền kinh tế đã vượt qua biến động, trên đà tối đa hóa việc làm và ổn định giá cả, đồng thời dự báo mức lãi suất sẽ được giữ nguyên như hiện tại ít nhất tới năm 2022. Mục tiêu cuối cùng của FED là bình ổn giá và tạo việc làm, trong đó hai thông số chính chi phối các quyết định điều chỉnh lãi suất là chỉ số lạm phát và số lượng việc làm.
Chủ tịch FED Jerome Powell cảnh báo, mức độ bất ổn cao bất thường về triển vọng kinh tế Mỹ đã gây khó khăn cho những dự báo của FOMC, trong bối cảnh đại dịch Coѵīd-19 vẫn là rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng và xứ Cờ hoa bắt đầu thực hiện nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Ông J.Powell cũng liên tục khẳng định, FED sẽ không theo đuổi chính sách lãi suất âm như cách mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hay Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đang thực hiện.
Giới quan sát hy vọng, việc FED ra quyết định giữ nguyên mức lãi suất sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp nền kinh tế xứ Cờ hoa vượt qua khó khăn, giữ được thế ổn định.