Một điểm gây chú ý của chương trình này là các nhà khoa học gia của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ tham gia chia sẻ với các bạn nhỏ. Hùng Trần nói: “Chúng tôi muốn các em có cơ hội được giao lưu với những người rất xuất chúng và thành công, ví dụ như những nhà khoa học ở NASA- chuyên làm những việc mà dân tình cho rằng không thể”
STEAM là viết tắt của Science – Khoa học, Technology – Công nghệ, Engineering – Kỹ thuật, Arts – Nghệ thuật, Mathematics – Toán học.
Ý tưởng ra đời của STEAM for Vietnam là gì, thưa anh?
Cũng như rất nhiều người, tôi được truyền cảm hứng từ câu chuyện về những lãnh đạo công nghệ đã tạo ra những công ty và sản phẩm làm thay đổi thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk,… Họ đều bắt đầu làm quen với máy tính và học lập trình từ lứa tuổi lên 10.
Trong quá trình xây dựng Got It tại Silicon Valley, tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ, trong đó có cả những người Việt Nam. Điểm chung là họ được làm quen với công nghệ và được học lập trình từ rất sớm.
Hè năm ngoái khi công tác tại Việt Nam, tôi có dịp tham gia đào tạo một số bạn nhỏ về lập trình và rất ngạc nhiên trước khả năng học nhanh, sáng tạo của các bạn.
Từ những kết quả ban đầu đó, ý tưởng xây dựng một tổ chức để liên kết những người Việt Nam tài năng ở khắp nơi trên thế giới, cùng nhau đào tạo và dẫn dắt thế hệ tiếp theo thông qua giáo dục STEAM bắt đầu với lĩnh vực công nghệ đã ra đời.
Hiện tại, dự án STEAM for Vietnam đã phát triển ở mức độ nào?
Dự án được thành lập và vận hành mới chỉ được hơn hai tháng nên các hoạt động cũng đang ở một giới hạn nhỏ.
Chúng tôi đang tổ chức một Trại hè Lập trình miễn phí cho các bé ở độ tuổi từ 8 đến 16 để đào tạo các bé về Tư duy Máy tính và những kiến thức lập trình đầu tiên thông qua phần mềm Scratch.
Trại hè đã thu hút được sự hưởng ứng rất tốt từ các phụ huynh và học sinh. Đã có tới hơn 7000 đơn đăng ký theo học từ khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam và 42 quốc gia khác.
Mỗi buổi giảng bài qua livestream đều có số lượng người xem từ 12 tới 13 ngàn. STEAM for Vietnam đã bắt đầu tạo ra phong trào học lập trình và vận dụng tư duy máy tính trong các em nhỏ.
Chúng tôi hy vọng là sau Trại hè này đội ngũ sẽ học được nhiều thứ để chúng tôi có thể tổ chức được các chương trình tiếp theo với quy mô lớn hơn nhiều.
Theo anh, việc học lập trình của các bé từ 8 đến 16 tuổi theo độ tuổi trong dự án lập trình liệu có phải là quá sớm?
Thực ra trong trại hè lập trình này chúng tôi tập trung rất nhiều vào dạy các em về tư duy máy tính và sử dụng lập trình như là một công cụ để các em có thể vận dụng tư duy máy tính một cách thuần thục trong việc giải quyết các vấn đề.
Tư duy máy tính là chìa khoá vạn năng để giúp mọi người giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn rất nhiều thông qua suy nghĩ logic và tối ưu. Nó có thể áp dụng vào giải quyết vấn đề ở nhiều lĩnh vực trong đời sống chứ không chỉ trong lập trình.
Trong số các em tham gia trại hè năm nay, chúng tôi dự đoán sẽ có khoảng 80% sẽ không đi theo con đường công nghệ mà theo đuổi nhiều ngành nghề khác nhau, tuy nhiên tư duy máy tính sẽ giúp các em làm việc hiệu quả hơn trong bất kỳ ngành nghề nào trong tương lai. Vì dạy tư duy tức là dạy cách suy nghĩ nên cần phải dạy càng sớm càng tốt.
Lứa tuổi từ 8-16 chúng tôi nghĩ là phù hợp vì nếu bé nhỏ hơn 8 tuổi sẽ bị hụt một số kiến thức nền để có thể tiếp thu được chương trình một cách tốt nhất.
Lộ trình cụ thể của các nhà khoa học gia của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ tham gia chia sẻ với các bạn nhỏ tại trại hè lập trình sẽ thế nào?
Tôn chỉ của khoá học là người thật việc thật, nói không với lý thuyết suông. Thế nên các em sẽ được đào tạo bởi các bạn trẻ người Việt thành công trong lĩnh vực STEAM ở khắp nơi trên thế giới.
Ngoài ra chúng tôi cũng muốn các em có cơ hội được giao lưu với những người rất xuất chúng và thành công ví dụ như những nhà khoa học ở NASA – chuyên làm những việc mà dân tình cho rằng không thể.
Qua đó chúng tôi hy vọng là các em đặt cho mình các mục tiêu cao xa trong tương lai, thậm chí là như hoặc tốt hơn những nhân vật mà các em được giao lưu cùng.
Trẻ con nếu được định hướng tốt từ nhỏ thì có rất nhiều thứ chúng sẽ làm người lớn phải ngạc nhiên. Khoa học gia từ NASA được mời tới để giao lưu với các em sẽ có hai mục tiêu.
Mục tiêu thứ nhất là các em sẽ được thấy lập trình quan trọng như thế nào trong các nhiệm vụ của NASA ví dụ như dùng chương trình máy tính để điều khiển tàu vũ trụ đưa người lên mặt trăng và quay lại.
Từ đó các em sẽ hứng thú hơn với việc học lập trình vì có kỹ năng lập trình trong tay cũng sẽ giống như có siêu năng lực để giúp các em làm những chuyện không thể, giống như NASA.
Thứ hai các em sẽ thấy là mặc dù đó là một nhà khoa học rất xịn xò nhưng không có gì quá xa lạ, các em vẫn có thể gặp gỡ giao lưu cùng và sẽ có em nói em cũng muốn tương lai được như bác ấy!
Là người Việt hiếm hoi khởi nghiệp tại thung lũng Silicon (Mỹ), điều gì khiến Got It chinh phục được những nhà đầu tư khó tính tại đây?
Got It có một chặng đường đi đã khá dài chứ không phải là một thời gian ngắn.
Công ty tiền thân của Got It là TutorUniverse được thành lập năm 2011 tại Đại học Iowa và sau đó được đổi tên thành Got It khi công ty chuyển qua Silicon Valley vào năm 2013.
Để có những thành công bước đầu như ngày hôm nay, công ty cũng phải mất rất nhiều thời gian đi lòng vòng và lên xuống để tìm ra được điểm hoà hợp thị trường (product market fit).
Đó là yếu tố chính để các thứ khác diễn ra như xây dựng được đội ngũ nhân sự giỏi cũng như thuyết phục được nhiều nhà đầu tư rót vốn vào công ty.
Anh đánh giá thế nào về đội ngũ kỹ sư công nghệ trong nước?
Khi chính thức mở rộng đội ngũ kỹ sư của Got It vào giữa năm 2016 chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn để tuyển dụng được các kỹ sư đáp ứng được các yêu cầu của công ty.
Qua duyệt hồ sơ và phỏng vấn hàng nghìn bạn, chúng tôi nhận thấy có một số điểm yếu chung của rất nhiều kỹ sư công nghệ ở Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất là kiến thức nền của Khoa học Máy tính khá yếu, có những bạn sau khi tốt nghiệp gần như không nhớ gì.
Thứ hai là tiếng Anh, đa số các bạn không thể nghe và nói tốt để tham gia các cuộc họp hanh tranh luận với các đồng nghiệp của Got It tại Mỹ hay Ấn Độ.
Cuối cùng là kỹ năng mềm, đây là một điểm đặc biệt yếu mà chúng tôi gặp ở đa số các bạn trẻ.
Đã có lúc chúng tôi tính di chuyển đội ngũ qua Singapore tuy nhiên sau đó chúng tôi thay đổi chiến lược xây dựng đội ngũ bằng cách đầu tư mạnh vào đào tạo.
Chúng tôi đã tuyển những bạn còn trẻ vừa mới ra trường và tập trung rất nhiều vào đào tạo để khoảng 6 tới 9 tháng sau chúng tôi có một kỹ sư có một nền móng tốt và có khả năng phát triển lâu dài. Đây là một phương pháp rất tốn kém và đầy rủi ro nhưng Got It đã làm được khá thành công.
Có một nhà đầu tư tại Mỹ nói rằng không chọn đầu tư vào startup Việt vì trình độ công nghệ còn kém, mô hình copy nước ngoài và hơn nữa là tham vọng của họ rất nhỏ. Anh nghĩ sao về đánh giá này?
Ở đâu cũng vậy, đầu tư vào Startup đều rất rủi ro, ngay cả các nhà đầu tư lão luyện ở Silicon Valley đều sẵn sàng với tỷ lệ thất bại là 9/10.
Để một startup có cơ hội thành công thì không chỉ có tiền mà còn cần phải có nhiều yếu tố khác giúp đỡ họ. Thế nên nhiều nhà đầu tư ngoài bỏ tiền vào các startup còn giúp team định hình chiến lược, tuyển dụng nhân sự giỏi, kết nối,… chúng tôi gọi đấy là smart money.
Người sáng lập nào cũng muốn nhận smart money cả chứ không ai muốn lấy dump money để phải ân hận sau này.
Về các startup Việt Nam hiện nay chưa có nhiều công ty đột phá nhưng cũng cần phải có thời gian để lứa mới lên sẽ tốt hơn, đặc biệt là đại dịch Covid 19 đã làm chết gần hết các startup “phông bạt” nên sau đại dịch hy vọng là có làn sóng mới thực tế hơn và học được những bài học từ lứa trước.
Là người trong lĩnh vực công nghệ, anh đánh giá thế nào về chiến lược “Make in Vietnam” với ước mơ Việt Nam hùng cường?
Tôi nghĩ đã là dân công nghệ thì ai cũng đều mong muốn phong trào Make in Vietnam trở thành hiện thực vì con đường công nghệ là con đường nhanh nhất để dẫn tới thịnh vượng. Tuy nhiên, không hề dễ dàng để thực hiện giấc mơ đó, đặc biệt là lực lượng nhân sự công nghệ chất lượng cao ở Việt Nam chưa có nhiều.
Nhân sự công nghệ cao như các kỹ sư công nghệ và các nhà quản lý sản phẩm vốn là yếu tố sống còn của các sản phẩm hay dịch vụ công nghệ.
Giờ mình chưa có nhiều nên phải chờ đào tạo cũng mất thời gian hoặc phải thuê nước ngoài với giá khá đắt đỏ. Thế nên đây là một bài toán tương đối khó nhằn mình phải trả lời được trước khi tính bất kỳ bước đi tiếp theo nào.
Nguồn Nhịp sống Việt
Xem thêm: Trần Ngọc Thái: Từ sinh viên bán phần mềm dạo đến CEO startup công nghệ “Triệu Đô”
window.fbAsyncInit = function() { FB.init({ xfbml : true, version : 'v8.0' }); };
(function(d, s, id) { var js, fjs = d.getElementsByTagName(s)[0]; if (d.getElementById(id)) return; js = d.createElement(s); js.id = id; js.src = 'https://connect.facebook.net/vi_VN/sdk/xfbml.customerchat.js'; fjs.parentNode.insertBefore(js, fjs); }(document, 'script', 'facebook-jssdk'));