HomeGiáo dụcGiá SGK sẽ không thể rẻ như hiện nay? | Giáo dục

Giá SGK sẽ không thể rẻ như hiện nay? | Giáo dục

Chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo về SGK mới đây, ông Lê Hoàng Hải, Phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nêu hình dung: Giá SGK hiện hành đang là độc quyền nên chịu sự quản lý giá của nhiều ban, ngành.
Khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai sẽ nhiều bộ SGK và do nhiều nhà xuất bản khác nhau cùng phát hành, do đó các nhà xuất bản đều phải hạch toán, cân đối đầy đủ chi phí nên chắc chắn giá theo chương trình mới sẽ không rẻ như giá hiện hành.
Chất lượng SGK mới của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng được nâng lên, do đó chi phí về nguyên vật liệu cũng đã làm cho giá thành một bộ sách tăng lên. Hơn nữa, với một chương trình nhiều bộ SGK thì sẽ có nhiều bộ sách được sử dụng đồng thời tại các trường phổ thông trên cả nước, trong khi số lượng HS không thay đổi, do đó số lượng bản sách được bán ra thị trường của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ nhỏ lại. Chính vì vậy, giá mới cũng sẽ cao hơn giá hiện hành.

Theo các chuyên gia, vấn đề định giá SGK trong bối cảnh xã hội hóa cũng cần được Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan phối hợp giải quyết. Các bộ SGK mới là do các nhà xuất bản làm bằng vốn của mình.

Vì vậy, giá sách phải bảo đảm cho họ thu hồi vốn. Nhưng cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có quy định hoặc hướng dẫn về hạch toán và lộ trình thu hồi vốn, một mặt không để giá sách tăng bất hợp lý, mặt khác không để một số đơn vị trường vốn, sẵn sàng chịu lỗ nhất thời để dùng giá thấp, dẫn tới cạnh tranh thiếu bình đẳng về giá.


Bộ không tổ chức biên soạn được một bộ SGK, phải sửa Nghị quyết 88?

Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông có quy định rõ: Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK.

Tuy nhiên, thời điểm tháng 5.2019, Bộ GD-ĐT đã tuyên bố Bộ không thực hiện được việc tổ chức biên soạn một bộ SGK do không đủ ứng viên tham gia tuyển chọn tác giả biên soạn một bộ SGK.

Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: Nghị quyết của Quốc hội là văn bản pháp lý nên trong trường hợp Chính phủ không thực hiện thì Chính phủ phải có báo cáo với Quốc hội, thậm chí có thể phải có một nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 88 của Quốc hội về nội dung này.

Hiện nay Bộ GD-ĐT mới thay mặt chính phủ báo cáo với ủy ban chứ chưa báo cáo chính thức trước Quốc hội.

Tuệ Nguyễn – Vũ Hân 




Nguồn bài viết

Xem nhiều

spot_img